(LĐ online) – Ngày 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường |
Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin – cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc nên cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi) |
Góp ý thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ĐBQH cơ bản nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công.
Tuy nhiên, việc làm này phải nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng, điều kiện thực hiện và đảm bảo tính giám sát, kiểm soát quyền lực.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng góp ý Luật Đầu tư công (sửa đổi) |
Góp ý cho dự án Luật Đầu tư công, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về đối tượng đầu tư công; về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công; về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án; về căn cứ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, quản lý kế hoạch vốn đầu tư nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài…
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng dự thảo Luật cần làm rõ hơn chính sách, cơ chế huy động nguồn vốn trong nước để thực hiện các dự án đầu tư công và bổ sung quy định trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) về sắp xếp thứ tự ưu tiên huy động nguồn vốn. Từ danh mục đầu tư công được phê duyệt và công bố công khai, nghiên cứu quy định thứ tự ưu tiên theo nguồn vốn như sau: Dự án có vốn tư nhân trong nước đăng ký (vốn tư nhân, PPP); Dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và trái phiếu địa phương theo quy định trần nợ công; Dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc hỗn hợp vốn đầu tư công và vốn trái phiếu; cuối cùng vẫn không đủ vốn để làm các dự án còn lại thì mới tiếp cận vốn ODA.
Đại biểu cũng đề nghị trong dự thảo Luật nghiên cứu bổ sung quy định về người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt (tùy thuộc vào quy mô, tính chất, thời gian xây dựng); đồng thời, nghiên cứu làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu/người được giao chủ trì thực hiện trong việc phê duyệt danh mục dự án, đề xuất chủ trương dự án, quyết định chủ trương, quyết định dự án và chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và chi phí.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần xem xét việc bổ sung cơ chế cho phép cơ quan nhà nước quản lý đầu tư được sử dụng vốn nhà nước hoặc huy động vốn tư nhân để đứng ra tổ chức thuê tư vấn lập dự án đầu tư cho đến khi đủ điều kiện cấp giấy phép đầu tư và có hợp đồng cung cấp dịch vụ công…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH |
Làm rõ hơn về nội dung được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ góp phần giảm cơ chế xin – cho, tiết kiệm thời gian triển khai dự án… Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách theo tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Việc sửa đổi Luật cũng khắc phục những bất cập trong xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kịp thời áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202411/dbqh-trinh-thi-tu-anh-gop-y-luat-dau-tu-cong-sua-doi-e111c89/