(LĐ online) – Sáng 9/1, Huyện uỷ Đam Rông thông tin về việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Châu (thứ 4 từ phải qua) – Bí thư Huyện uỷ Đam Rông kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng |
Chỉ thị được ban hành nhằm tập trung các giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó nóng bỏng nhất là tình trạng phá rừng, khai thác rừng, gặm nhấm rừng, ken cây, lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp để cơi nới, mở rộng diện tích canh tác nương rẫy, cháy rừng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Chỉ thị nêu rõ việc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội huyện, các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Luật Lâm nghiệp; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 17/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 10/12/2021 của Huyện ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.
Đồng chí Nguyễn Văn Châu (thứ 3 từ phải qua) – Bí thư Huyện uỷ Đam Rông kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng |
Đẩy mạnh, đổi mới công tác, hình thức tuyên tuyền, giáo dục pháp luật về QLBVR, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và
người dân đối với công tác QLBVR trên địa bàn; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng, là nguồn tài nguyên quý giá đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường lâu dài của địa phương cần phải gìn giữ và phát huy.
Công tác QLBVR là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, kế hoạch, đề án của tỉnh và của huyện có liên quan. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về QLBVR.
Bên cạnh đó trong nội dung Chỉ thị cũng xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng nhân dân huyện, UBND huyện, Công an huyện, Ban CHQS huyện, các đơn vị chủ rừng, Đảng uỷ các xã, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội huyện, các ban và văn phòng Huyện uỷ nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202501/dam-rong-tap-trung-thuc-hien-3-nhiem-vu-trong-tam-ve-quan-ly-bao-ve-phat-trien-rung-c0869fd/