(LĐ online) – Ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) |
Tham gia nghiên cứu, góp ý tích cực, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị bổ sung quy định rõ việc xây dựng bảo vệ kế hoạch nước dưới đất là hoạt động điều tra cơ bản.
Đại biểu phân tích: “Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước năm 2012, theo đó đã sửa đổi, bổ sung toàn diện và thay thế Luật Tài nguyên nước năm 1998. Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định cụ thể nhiều nội dung liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước nói chung và bảo vệ nước dưới đất nói riêng. Trên cơ sở quy định của Luật, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các nghị định, thông tư quy định cụ thể về bảo vệ nước dưới đất, trong đó, ngoài việc quy định các biện pháp bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò khai thác nước dưới đất, trám lấp các giếng khoan không sử dụng, còn quy định việc khoanh định, công bố các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nhằm bảo vệ nước dưới đất. Việc khoanh định, công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tại các địa phương hiện nay thực hiện theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định số 167/2018/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả tích cực nhất định, giảm thiểu tình trạng suy thoái, ô nhiễm, hạ thấp mực nước ngầm của các tầng chứa nước tại các tỉnh, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và một số khu vực đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên quy định của Nghị định có một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn như: quy định tất cả các địa phương trên cả nước đều phải thực hiện việc khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; vùng hạn chế khai thác không được điều chỉnh linh hoạt đưa ra khỏi vùng hạn chế khi nguồn nước dưới đất đã được phục hồi…
Trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định về kế hoạch bảo vệ nước dưới đất tại khoản 6, Điều 31 của dự thảo, trong đó quy định: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải ban hành trong thời hạn không quá 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và được định kỳ 5 năm một lần được xem xét, điều chỉnh hoặc điều chỉnh khi cần thiết. Đồng thời quy định về yêu cầu Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải xác định được các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần bảo vệ, phục hồi; khu vực, tầng chứa nước cần xác định ngưỡng khai thác nước dưới đất; phương án khai thác nước dưới đất; khu vực cần khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng, cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất; khu vực cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất.
Tôi đánh giá cao việc bổ sung quy định việc lập Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trong dự thảo Luật Tài nguyên nước lần này. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất được xây dựng căn cứ vào hiện trạng về nguồn nước dưới đất tại địa phương sẽ tạo điều kiện cho thuận lợi việc tập trung bố trí nguồn lực phù hợp, đúng chỗ, đúng thời điểm, tránh lãng phí (theo quy định trước đây thì các địa phương đều phải khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất ngay cả các địa phương ít khai thác nước dưới đất hoặc nguồn nước dưới đất không có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm).
Tuy nhiên, để quy định trên có tính khả thi thì tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định rõ việc xây dựng Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất là một hoạt động điều tra cơ bản, được bố trí, sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức triển khai giống như tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.Theo tôi, thời hạn phải hoàn thành 2 năm như quy định trong dự thảo Luật là hơi gấp, tôi kiến nghị cho khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm”.
Quang cảnh phiên họp tại hội trường |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét.
Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội nghe Tờ trình và thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.