Kể từ sau khi bác sĩ Yersin tổ chức thám hiểm cao nguyên Lang Bian và đề xuất với Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho thành lập trung tâm nghỉ dưỡng, Đà Lạt buổi đầu sơ khai ấy chỉ là một vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt có chăng cũng chỉ một vài buôn làng người Lạch, người Cil (Kơho Lạch, Kơho Cil) tụ cư ở các khu vực quanh thác Prenn, thác Cam Ly và khu vực ven hồ Xuân Hương bây giờ. Nơi đây chính là dòng suối Lát mà sau đó được chính quyền đương thời trong quá trình quy hoạch xây dựng đã cho đắp chặn tạo nên hồ nước xinh đẹp – hòn ngọc bích giữa lòng thành phố cao nguyên thơ mộng.
Nữ sinh Trường Trung học Bùi Thị Xuân – Đà Lạt những năm 60 thế kỷ XX
Nơi hội tụ cư dân của các vùng miền
Năm 1906, sau khi được chọn để xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng, Đà Lạt đã thực sự trở thành một vùng đất mới, là nơi hội tụ cư dân của các vùng miền. Cư dân người Kinh ở Đà Lạt lúc bấy giờ phần lớn là những người lao động nghèo ở miền Bắc, miền Trung di dân tự do hoặc những người đi phu phen, tạp dịch rồi tự nguyện ở lại lập nghiệp. Về sau những năm 1937-1938, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị, cũng như nhu cầu của người dân nơi đây, người Pháp và chính quyền sở tại đã cho di dân ở một số địa phương từ miền Bắc, miền Trung như Hà Đông, Nghệ – Tĩnh vào Đà Lạt định cư nhằm sản xuất rau, hoa cung cấp cho thành phố. Đến giai đoạn sau còn có nhiều cư dân ở các vùng Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây lập nghiệp.
Những Ấp đầu tiên
Những cư dân người Kinh khi mới tới đây họ thường tập trung theo nhóm quê hương để lập ấp sinh sống. Giai đoạn này Đà Lạt đã lần lượt ra đời các ấp như:
Ấp Hà Đông được thành lập vào năm 1938 do sáng kiến của các quan chức triều Nguyễn thời bấy giờ là ông Hoàng Trọng Phu – Tổng đốc Hà Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ; ông Trần Văn Lý – Quản đạo thành phố Đà Lạt, Tổng đốc Lâm Đồng – Bình Ninh (Lâm Đồng, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận) và ông Lê Văn Định – Thượng canh nông tỉnh Hà Đông, sau làm Chánh án Tòa án hỗn hợp Đà Lạt.
Những cư dân đầu tiên của ấp Hà Đông là những người nông dân thạo nghề làm vườn ở các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc… thuộc tỉnh Hà Đông đến Đà Lạt, trồng rau và lập ấp vào năm 1938. Về sau còn có một số người Quảng Ngãi đến làm thuê và ở lại ấp lập nghiệp.
Ấp Nghệ Tĩnh do những người quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào lập nghiệp và lập ấp vào năm 1940. Đa số dân trong ấp là những người lao động nghèo và có một số là những người yêu nước bị địch khủng bố ở quê nhà nên đã cùng gia đình vào đây sinh sống. Một số khác được người có chức sắc trong chính quyền (ông Nguyễn Khắc Hòe) tuyển mộ ở quê đưa vào. Thời gian đầu họ đi làm thuê trong các công sở, chiều về vỡ đất khai hoang trồng thêm rau, sau đó dần dần chuyển sang nghề làm vườn. Sản phẩm chủ yếu là atiso và một số loại rau ôn đới.
Ấp Ánh Sáng là nơi tụ cư của những cư dân vùng Thừa Thiên – Huế. Ban đầu chỉ có khoảng năm đến sáu hộ gia đình người làng Kế Môn, Phước Yên sống trong những chòi lá đơn sơ cất tạm bên cạnh những mảnh vườn mấp mô vừa được khai hoang để trồng rau. Về sau với sự cần mẫn, chịu thương chịu khó của mình người dân đã san lấp, bồi đắp các hố sâu để mở rộng trở thành vườn rau mới. Đến năm 1952 thì ấp Ánh Sáng chính thức được thành lập với những vườn rau ven suối và những dãy nhà được xây dựng theo quy hoạch.
Ấp Thánh Mẫu ra đời năm 1955 với khoảng 400 giáo dân thiên chúa thuộc huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Khu đất này do bà con mua lại của Sở Canh Nông để lập ấp trồng các cây lương thực như: khoai, bắp sau đó chuyển sang trồng rau.
Đến những năm 50-60 của thế kỷ XX, Đà Lạt đã trở nên đông đúc với nhiều ấp mới tiếp tục ra đời như: Đa Phú, Tùng Lâm, Đa Thành, Trung Bắc, Nam Thiên, Xuân An, SI JEAN, Tân Lạc, Đa thiện, Cô Giang, Hồng Lạc, Đa Lợi, Thái Phiên, Tây Hồ và các khu Lam Sơn, Chi Lăng, Trại Mát…
Đường phố xưa
Qua thời gian cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử, tên các con đường ở Đà Lạt xưa cũng có nhiều thay đổi. Đây là tên đường phố Đà Lạt trước năm 1953 và tên ngày nay: MARCHÉ – Khu Hòa Bình; FOCH – Ba Tháng Hai; LAMATINE – Bà Huyện Thanh Quan; Cầu Quẹo – Phan Đình Phùng; Đồng Khánh – Nguyễn Chí Thanh; PÉTRUS – KÝ – Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Minh Mạng – Trương Công Định; Gia Long – Lê Đại Hành; MILICE – Lê Thị Hồng Gấm; Lò Gạch – Hoàng Diệu; THOUARD – Bùi Thị Xuân; Khải Định – Nguyễn Văn Cừ; ANNAM – Nguyễn Văn Trỗi; FRANCE – Lý Tự Trọng; LACLARE – Trần Quốc Toản; Long Mỹ – Thủ Khoa Huân; HELGOUACH – Đoàn Thị Điểm; ABATTOIR – Lê Quý Đôn; PASTEUR – Hai Bà Trưng; VANVOLLEN HOVEN – Phan Bội Châu; PIERRE PAS QUIER – Hồ Tùng Mậu; ADRAN – Hà Huy Tập; HÔPITAL – Hải Thượng; CUNHAC – Bà Triệu; Long – Hồ Tùng Mậu; DARLES – Triệu Việt Vương; PAUL DOUMER – Trần Hưng Đạo; ALBERT SARRAUT – YERSIN; ANKROET – ANKROET; AUGER – ZA GÚT; BABEY – Nguyễn Du; CASSAIGUE – Mai Hắc Đế; BASSE DU CAMLY – Phạm Ngũ Lão; YERSIN – Trần Phú; LACAZE – Thái Học; BELLEVUE – Lam Sơn; BOURGERY – Trần Quang Diệu; CALMETTE – Thi Sách và Ngô Quyền; CANIVERY – Lê Lai; CARRIERES – Đào Duy Từ; CHAMBOUDRY – Lê Hồng Phong; MISSIONE – Nhà Chung; CHASSAING – Trần Bình Trọng; CLÉMENCEAU – Ba Đình; DE LATTRE DE TASSIGNY – Khởi Nghĩa Bắc Sơn; DANKIR – Đan Kia; FERNAND MILLET – Dã Tượng; ROSES – Huỳnh Thúc Kháng; GARE – Nguyễn Trãi; GLAIEULA – Nguyễn Viết Xuân; GLAFFEUIL -Hùng Vương; Hà Văn Ký -Ký Con; HENRI MAITRE -Yết Kiêu; RENÉ ROBIN -Quang Trung và Phan Chu Trinh; JARDIHS – La Sơn Phu Tử; JEAN O’NEILL – Hoàng Văn Thụ; LÉONGARNIS – Phạm Hồng Thái; LOUAT DE BOART – Cô Giang và Phó Đức Chính; MOSSARD – Hàn Thuyên; Nhà Làng – Nguyễn Biểu; PICE – Vạn Kiếp; PRENN (cũ) – Khe Sanh; ROBELIN – Lê Thánh Tôn; ROBINSON – Huyền Trân Công Chúa; ROUNIE – Pasteur; PAGUE – Tô Hiến Thành; Saigon Nais – Yên Thế; SCHERTGUE – Trại Hầm – Hoàng Hoa Thám; SAINT BENOIT – Chi Lăng; PRENN – Ba Tháng Tư.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, từ một vùng cao nguyên hoang sơ nhưng có khí hậu mát lành, cảnh trí thiên nhiên lãng mạn trữ tình, Đà Lạt đã chuyển mình trở thành một thành phố du lịch, thành phố festival hoa nổi tiếng của Việt Nam đã từng níu chân làm lưu luyến bao du khách khi có dịp lãng du đến vùng đất này.
ĐOÀN BÍCH NGỌ