UBND TP Đà Lạt vừa ban hành kế hoạch nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn và bền vững. Đến năm 2030, Đà Lạt đặt mục tiêu giảm thiểu đáng kể lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tái sử dụng gần như toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi và lâm nghiệp.
Kế hoạch này không chỉ tập trung vào giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn hướng tới tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương. Các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cũng được đẩy mạnh để tìm ra những giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
Những điểm nổi bật của kế hoạch là nỗ lực giảm đáng kể lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý hiệu quả chất thải, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn nước; tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, nhiên liệu sinh học, thức ăn chăn nuôi…; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo ra chuỗi giá trị khép kín, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202411/da-lat-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-tuan-hoan-1042f60/