Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huyện Đạ Huoai tích cực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất từ số lượng sang sản xuất hàng hóa, chất lượng, có giá trị, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, qua đó từng bước nâng cao đời sống người nông dân.
Phát triển bưởi da xanh ven sông Đồng Nai |
Xác định nông nghiệp là mũi nhọn, là thế mạnh trong phát triển kinh tế – xã hội, trong những năm qua, huyện Đạ Huoai đã vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để đầu tư cho phát triển toàn diện ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chú trọng đổi mới, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, gắn kết sản xuất với tiêu thụ và thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Trong năm 2024, nông dân trên địa bàn huyện Đạ Huoai đã thực hiện chuyển đổi, cải tạo được 750 ha cây trồng; đồng thời, công tác chuyển giao khoa học – công nghệ, kỹ thuật chăm sóc cây trồng được các cấp, các ngành quan tâm với nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyên sâu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng trong điều kiện biến đổi khí hậu cho cây sầu riêng, điều, lúa, dâu tằm…
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết, hiện nay, toàn huyện có tổng diện tích cây trồng khoảng 54.900 ha. Trong đó, cây lúa chiếm gần 13.400 ha với sản lượng ước đạt trên 82.000 tấn; cây bắp chiếm trên 1.470 ha, cho sản lượng hơn 11.000 tấn. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có trên 23.500 ha cây công nghiệp; trong đó, cây điều chiếm diện tích nhiều nhất với trên 15.800 ha với sản lượng ước đạt 9.590 tấn, cây cao su chiếm hơn 3.990 ha với sản lượng 8.100 tấn, cây cà phê trên 1.700 ha với sản lượng 4.100 tấn, cây dâu tằm có tổng diện tích 1.344 ha với sản lượng 33.700 tấn.
Ngoài ra, toàn huyện hiện có tổng diện tích cây ăn trái trên 13.400 ha; trong đó chiếm diện tích nhiều nhất là cây sầu riêng với 10.658 ha cho sản lượng đạt 75.300 tấn, cây bưởi có 459 ha cho sản lượng 4.760 tấn, cây măng cụt có 405 ha với sản lượng 2.170 tấn, cây chôm chôm có sản lượng 379 ha với sản lượng 3.700 tấn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, thời gian qua, công tác vận động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký cấp mã số vùng trồng được các cấp, các ngành tích cực thực hiện; người dân hưởng ứng tham gia. Đến nay, toàn huyện Đạ Huoai có khoảng 3.421 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có 82 mã số vùng trồng nội địa và quốc tế cấp trên tổng diện tích hơn 3.820 ha đối với cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cây bưởi da xanh, cây lúa,… gắn với phát triển 37 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì ổn định với tổng đàn gia súc trên 184.000 con. Tỷ trọng ngành chăn nuôi được duy trì, chiếm tỷ lệ 22,5% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có 24 trang trại, dự án chăn nuôi, ngoài ra có các mô hình trang trại quy mô nhỏ như: Nuôi dê, rắn, thỏ, dúi, nai, bò sữa,… tiếp tục được phát triển. Đồng thời, huyện cũng thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thủy sản, khai thác diện tích mặt nước để kết hợp phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển mở rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao như: Nuôi cá lồng bè, nuôi lươn không bùn,… Nhờ các giải pháp đồng bộ, đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn huyện Đạ Huoai đạt khoảng 161,6 triệu đồng/ha.
Cùng với việc nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, huyện Đạ Huoai còn tập trung quan tâm phát triển và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, toàn huyện Đạ Huoai có 55 sản phẩm OCOP, gồm 6 sản phẩm 4 sao và 49 sản phẩm 3 sao.
Với định hướng phát triển phù hợp, đồng thời, triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thiết thực đã thúc đẩy các nông hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã trên toàn địa bàn huyện Đạ Huoai phát triển ổn định và mang tính bền vững, nhờ vậy đã góp phần đem lại thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của huyện ước đạt 69,6 triệu đồng. Từ đó, trên địa bàn huyện đã có thêm nhiều tỷ phú trong sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian tới, huyện Đạ Huoai sẽ tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất hữu cơ. Đồng thời, huyện Đạ Huoai đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Cụ thể, huyện Đạ Huoai sẽ chủ động quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp…
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202501/a-huoai-chu-trong-nang-cao-gia-tri-san-xuat-nong-nghiep-43f21f8/