Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa ra mắt tác phẩm “Cô đào hát” tại TP Hồ Chí Minh, nhân dịp sinh nhật thứ 70 của mình, đồng thời, cũng là dịp Giỗ Tổ ngành Sân khấu. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu của sân khấu kịch, sân khấu cải lương như Lệ Thủy, Thành Lộc, Kim Xuân, Thành Hội… đã đến chia vui cùng chị trong dịp lần đầu ra mắt sách này.
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng với nghệ sỹ Thành Lộc |
• ẤN TƯỢNG “CÔ ĐÀO HÁT”
“Cô đào hát” là tác phẩm tuyển chọn 6 kịch bản nổi tiếng, xuất sắc trong hơn 70 kịch bản sân khấu trong cuộc đời sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà hoạt động sân khấu tài năng Nguyễn Thị Minh Ngọc. Cuốn sách được ra mắt đúng dịp mừng sinh nhật lần thứ 70 của tác giả. Đặc biệt hơn, cuối tháng 8 vừa qua, phiên bản cải lương mới của kịch bản “Cô đào hát” do NSƯT, đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng cho sân khấu cải lương mới Đại Việt đã công diễn buổi đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và được khán giả ủng hộ nồng nhiệt.
Cuốn sách “Cô đào hát” chọn in 6 kịch bản “Cô đào hát”, “Vầng trăng ai xẻ”, “Tía ơi, má dìa”, “Giữa hai bờ sương khói”, “Hãy khóc đi em”, “Người đàn bà thất lạc” của nhà văn – đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Đây là những kịch bản sân khấu đã được dựng diễn, chứa đựng nội dung nhân văn phong phú, sâu sắc, đầy sức cảm hóa và những nét nổi bật trong phong cách biên kịch của tác giả: sự kết hợp đầy biến ảo, bất ngờ giữa thực và mộng, giữa đạo và đời, giữa bi và hài, giữa bình dân và bác học, giữa truyền thống và hiện đại.
Đại diện Nhà xuất bản Sân khấu, chị Ngọc Anh chia sẻ, sẽ có dịp tiếp tục thực hiện những tập sách giới thiệu các kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã chứng tỏ được sức sống trên sân khấu kịch, cải lương TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như “Một nửa của tôi đâu”,“Thương hoài ngàn năm”, “Nắng chiều”, “Vàng hay bạc nhái”, “Lũ rừng”, “Hãy yêu nhau đi”, “Trái tim nhảy múa”… Các tập kịch bản của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc sẽ là những đóng góp có giá trị cho kho tàng kịch bản sân khấu Việt Nam, cung cấp cho các nhà biên kịch một nghệ thuật biên kịch độc đáo đáng tham khảo, và đặc biệt, đây sẽ là một nguồn kịch bản đáng quý cho các đơn vị sân khấu cả nước, đặc biệt là các đơn vị sân khấu ở các tỉnh phía Bắc, khai thác dàn dựng làm phong phú thêm cho dàn kịch mục của mình.
Nhận xét về kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Minh Ngọc lồng ghép thế giới đời và mộng của nghệ sĩ trong các vở diễn. Cầm Thanh trong “Cô đào hát” (chuyển thể từ “Người đàn bà đức hạnh” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng) là nhân vật chị gởi gắm với một tình yêu cháy bỏng dành cho sân khấu và nỗi đau nhân sinh. Người nghệ sĩ chấp nhận đắng cay, oan khuất chỉ là để “tránh đừng rã gánh”. Sân khấu cần khán giả cũng như nhà văn cần độc giả; người nghệ sĩ khao khát mãnh liệt có được môi trường lành mạnh để sống được bằng nghề. Chị yêu sân khấu, gắn bó và có duyên với sân khấu hơn cả trang viết. Chị đốt cháy mình không chỉ vai trò soạn giả, đạo diễn mà còn được diễn, dù chỉ những vai phụ điên dại, kỳ quái, bí ẩn thoáng xuất hiện trên sân khấu. Nhưng để đóng được những vai phụ khổ đau, bé mọn ấy phải có sự thấu cảm, rất cần tài năng diễn xuất. Và chị đã tạo nên được một vệt những vai phụ không thể thiếu trên sân khấu và cả điện ảnh.
• SỐNG TRỌN VẸN VỚI ĐAM MÊ SÁNG TẠO
Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đánh giá rất cao sức sáng tạo của nhà văn đàn chị: Bảy mươi tuổi đời với gần 50 năm tuổi nghề, gần 50 năm sống trọn vẹn với đam mê sáng tạo của mình, nhà văn, đạo diễn, diễn viên Nguyễn Thị Minh Ngọc đã khẳng định tài năng và sự thành tâm của mình dành cho sân khấu, cho điện ảnh và cho cả văn chương. Tình yêu nghệ thuật của Nguyễn Thị Minh Ngọc và tác phẩm sáng tạo của chị còn hiện thân là tình yêu con người, tình yêu xứ sở, tình yêu dân tộc, tình yêu Tổ quốc.
Nguyễn Thị Minh Ngọc là một tài năng hiếm hoi khi ở chị tụ lại, nào văn chương, sân khấu, điện ảnh, cả việc làm thầy nữa…Vai nào Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng sống hết mình, đam mê đến tận cùng và chị cũng tìm thấy niềm hạnh phúc trong cô đơn sáng tạo, trong sẻ chia và trong sự vỡ òa của thăng hoa mà chỉ có nghệ thuật mới có thể đem lại. Trong hành trình sáng tạo của mình, Nguyễn Thị Minh Ngọc lúc nào cũng tự mình nhen lửa, giữ lửa và nỗ lực truyền lửa nghề… cho nghề, cho đồng nghiệp và cho cuộc đời.
Nhà văn Trầm Hương – người em chung nghề nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc hàng chục năm chia sẻ kỷ niệm ấn tượng: “Tôi nhớ đó là cuối những năm 2000, khi tôi sinh đứa con trai nhỏ, được thư mời dự Hội thảo – Liên hoan châu Á – Thái Bình Dương về Phụ nữ trong nghệ thuật (Asia-Pacific Festival Conference of Women in Arts), chính chị hồ hởi trao cho tôi lá thư đó. Chị cũng được mời, hào hứng nói với tôi: “Mình muốn đem hình ảnh những người phụ nữ đi xa khỏi biên giới, để thế giới hiểu thêm về người phụ nữ Việt Nam”. Lần được thư mời Asia-Pacific Festival Conference of Women in Arts, dự hội thảo ở Mỹ, tôi bỏ cuộc vì con còn quá nhỏ. Người phụ nữ làm nghệ thuật thật khó đi tận chân trời mơ ước. Ngọc không bận bịu chuyện con cái như tôi nhưng thời ấy, bỏ hết công việc để làm một chuyến đi Mỹ với kinh phí gần như tự túc, để nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, điện ảnh… thì cũng thật mông lung, đòi hỏi gan lì và dũng cảm.
Chị quyết định sang Chicago. Từ đam mê nghệ thuật, chị gặp anh và làm nên một nhân duyên bền chặt. Lúc hai người yêu nhau, làm đám lễ hỏi, anh còn ở Mỹ. Tôi được dự một đám hỏi không có chàng rể. Rồi chị mặc áo cưới thật. Ở tuổi ngoài 50, chị hồn nhiên, rực rỡ, tinh khôi trong chiếc áo trắng muốt, cả gan ngồi trên chiếc lồng để rơi từ trần nhà đáp xuống sàn sân khấu trong tiếng vỗ tay vui mừng của bạn bè. Một nhà thơ nhìn chị ngậm ngùi: “Ngọc nó cưới cái áo cưới”. Tôi thì hiểu vì sao chị khao khát chiếc áo cưới đến vậy, bởi nó xác tín giá trị của một người phụ nữ, sự trân trọng, nâng niu, dám chấp nhận, đương đầu và trên hết là tinh thần trách nhiệm của một bờ vai để sóng bước… Tôi vui đến rơi nước mắt khi chị hãnh diện được đi bên người chồng với gương mặt trầm tĩnh, kiên định; đã tìm được chị từ nửa vòng trái đất, trong hôn lễ, với chiếc áo cưới trắng như mây bồng bềnh”.
Sống hết mình, yêu hết mình và dĩ nhiên, làm nghệ thuật càng hết mình. Nguyễn Thị Minh Ngọc là thế. Hầu hết các kịch bản của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc đã viết từ 20 – 30 năm trước, nhưng hiện vẫn đầy tính thời sự, có sức hấp dẫn với khán giả sân khấu hôm nay và vẫn được diễn tại những sân khấu nổi tiếng. Không có lý gì chúng ta luôn than thở rằng, sân khấu nước nhà đang quá thiếu kịch bản hay, mà lại bỏ qua các kịch bản hay mà không hề cũ của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Dù ở tuổi 70, nhưng sức đi, sức cảm, sức nghĩ, sức viết vẫn rất trẻ trung, năng lượng và khát vọng sáng tạo vẫn rất dồi dào, tác giả – nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc sẽ có những kịch bản mới, có giá trị lớn đóng góp cho sân khấu nước nhà.