(LĐ online) – Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Sở VH-TT-DL đã phối hợp cùng các sở, đơn vị liên quan (gồm Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Đà Lạt, Văn phòng Đăng ký đất đai – Sở Tài nguyên và Môi trường) tiến hành thực hiện chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương, Đà Lạt.
Sơ đồ vị trí di tích danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương |
Việc chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương – Đà Lạt đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đảm bảo tính pháp lý và khoa học của di tích. Theo đó, sẽ tiến hành điều chỉnh một số nội dung hồ sơ di tích như: khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, diện tích đất đai thuộc di tích, điều chỉnh cơ sở hiện trạng, định vị tọa độ và đo vẽ sơ đồ…
Hồ Xuân Hương xinh đẹp vào tất cả các mùa trong năm |
Hồ Xuân Hương được ví là trái tim của thành phố hoa xinh đẹp, là tuyệt phẩm thiên nhiên – biểu tượng mộng mơ đã đi vào thi ca nhạc họa. Hồ Xuân Hương nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua. Năm 1919, từ sáng kiến của viên công sứ Cunhac, kỹ sư công chánh Labbé đã tiến hành việc ngăn dòng suối làm thành hồ. Năm 1923, chính quyến đương thời lại cho xây thêm một đập phía dưới tạo thành 2 hồ. Tháng 3 năm 1932, một cơn bão lớn làm cả hai đập bị vỡ.
Năm 1934 – 1935, kỹ sư Trần Đăng Khoa lại thiết kế, xây dựng một đập lớn bằng đá. Đập này nằm trước Dinh Quản Đạo (bấy giờ là ông Phạm Khắc Hòe), dân địa phương gọi “ông Đạo” nên khi đập xây xong, người dân quen gọi là “Cầu Ông Đạo”. Năm 1953, ông Nguyễn Vỹ – Chủ tịch Hội đồng thị xã đề nghị đổi tên Grand Lac thành hồ Xuân Hương. Với vẻ đẹp mộng mơ, lãng đãng khói sương trong suốt 4 mùa, năm 1988, hồ được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.Việc chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ khoa học danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia sẽ tiếp tục quảng bá, lan tỏa giá trị danh lam thắng cảnh nổi tiếng giữa lòng thành phố Đà Lạt; nâng cao trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ cảnh quan, môi trường, để di tích được bảo tồn nguyên vẹn. Theo đó, các sở, ngành, địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ, cung cấp tư liệu cho ngành Văn hóa sớm hoàn thiện hồ sơ chỉnh lý, xác định mốc giới di tích trên thực địa, vẽ sơ đồ vị trí khoanh vùng bảo vệ di tích; góp phần thực hiện hiệu quả Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL Quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.