(LĐ online) – 50 năm nhìn lại (06/01/1975 – 06/01/2025), Chiến thắng đường 14 – Phước Long có ý nghĩa chiến lược, là chìa khóa mở ra Đại thắng mùa Xuân 1975. Thượng tướng Trần Văn Trà – nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam đã khẳng định: “Không có chiến thắng Phước Long thì chưa có chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam ngày 30/4/1975”.
Quân Giải phóng đánh chiếm Chi khu Cảnh sát tỉnh Phước Long (ảnh tư liệu) |
GIẢI PHÓNG PHƯỚC LONG – MỆNH LỆNH ĐƯỢC GIAO CHO QUÂN ĐOÀN 4
Sau gần 2 năm ký Hiệp định Pari, sự thất bại trong các hoạt động quân sự, những bất ổn nội bộ cùng với khó khăn về kinh tế do nguồn viện trợ của Mỹ giảm khiến thực lực của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sa sút hẳn.
Sài Gòn – “hòn ngọc viễn đông” bắt đầu rạn nứt khi người Mỹ cắt viện trợ. Nạn thất nghiệp, đói khát, cướp bóc, quan chức chính quyền tham nhũng, buôn lậu, nhân dân dần chán ghét chế độ Thiệu – Hương.
Trên chiến trường, sự tấn công quyết liệt của ta đã đẩy quân địch vào tình thế bị động, phải dồn quân đóng tại các đô thị lớn, việc phòng thủ vùng nông thôn và rừng núi trở nên lỏng lẻo.
Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 nhận định “lực lượng so sánh giữa ta và nguỵ thì ta đang ở thế thắng, thế tiến lên; trái lại, vì thất bại liên tiếp thế và lực của nguỵ, cả về chính trị và quân sự, đang xuống dốc”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay”.
Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt tiến công “có mức độ”, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, nhằm tiếp tục phát triển thế, lực theo hướng có lợi cho ta. Triển khai chủ trương trên, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) mở Chiến dịch Đường số 14 – Phước Long.
Đường 14 – Phước Long có vai trò chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của quân đội VNCH ở Đông Nam Bộ với khoảng 5 vạn dân gồm đồng bào Stiêng, Khơme và công nhân cao su.
Phước Long gồm các chi khu quân sự Đồng Xoài, Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Phước Long và căn cứ Bà Rá nằm trong tuyến phòng thủ từ xa của Quân đội VNCH để bảo vệ Sài Gòn và các tỉnh đông dân trù phú ở Nam Bộ.
Do có các giao lộ của đường số 2 nối với đường 14 qua ngã ba Đồng Xoài – Phước Bình và đường 311 nối với đường 14 qua ngã ba Liễu Đức – Bà Rá, có điểm cao đột xuất Bà Rá (736m). Phước Long trở thành điểm án ngữ, ngăn chặn hành lang vận tải của Quân Giải phóng qua Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ. Đồng thời, Phước Long giữ vị trí chia cắt thế liên hoàn của các vùng của Quân Giải phóng, cô lập Lộc Ninh với Nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác.
Về quyết định đánh đường 14 – Phước Long, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Các đồng chí ở B2 (Mặt trận Đông Nam Bộ), với thực tiễn và kinh nghiệm chiến đấu, nắm tình hình địch tại chỗ, chủ trương trước hết đánh Đồng Xoài, chi khu quận lỵ và là vị trí then chốt của tỉnh Phước Long. Tiếp đó tiến đánh Phước Long, giành một chiến thắng mở đầu vang dội. Các đồng chí Bộ Tổng Tham mưu, trước tình hình ta rất thiếu đạn, nhất là đạn súng lớn, chủ trương đánh Bù Đăng, Bù Na là những vị trí quan trọng hơn ở phía bắc Đồng Xoài để có thêm đạn pháo chiến lợi phẩm đánh Đồng Xoài. Cuối cùng mọi người thống nhất ý kiến về kế hoạch tiến công và mục tiêu tiến công là Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài và cả Phước Long, mặc dù lúc đầu Bộ Tổng Tham mưu không đặt ra nhiệm vụ đánh mục tiêu này”.
Rạng sáng ngày 13/12/1974, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Chiến dịch – Thiếu tướng Hoàng Cầm, Quân Giải phóng bắt đầu khai hỏa, mở màn cho Chiến dịch. Chiến dịch chia thành 3 đợt, đến ngày 06/01/1975 ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã Phước Long.
Qua 25 ngày đêm chiến đấu, Quân đoàn 4 đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Phước Long, diệt 1.160 lính, bắt 2.146 lính, sau đó ra trình diện 1.000 lính VNCH. Thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của quân đội Sài Gòn tại đây, phá huỷ 15 máy bay, 4 khẩu pháo, 3 xe bọc thép, thu 3.125 súng các loại, 100 xe ô tô, 10.000 viên đạn pháo… Chiến dịch đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân, trực tiếp uy hiếp hệ thống phòng thủ phía bắc Sài Gòn của VNCH.
CHIẾN THẮNG ĐƯỜNG 14 – PHƯỚC LONG: CHÌA KHÓA MỞ RA ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975
Chiến thắng đường 14 – Phước Long tạo hành lang chiến lược từ Vĩnh Linh đến Bù Gia Mập, nối liền với Lộc Ninh và các căn cứ khác tại miền Đông Nam Bộ. Liên kết các vùng giải phóng của ta với các căn cứ của Khu 6 trước đây từng bị cô lập ở Long Khánh, Bình Thuận, cho phép quân Giải phóng có thể cơ động đến vùng Đông Nam Bộ.
Chiến thắng này làm cho lực lượng của Quân đội VNCH bị kéo giãn trên ba quân khu I, II và III, trong khi Quân khu IV không thể đưa quân ứng cứu (do phải bảo vệ phía sau lưng Biệt khu Thủ đô). Trong Hồi ký của mình Đại tướng Lê Đức Anh nhận định: “Chiến thắng đường 14 – Phước Long và núi Bà Đen đối với Mặt trận B2 đã tạo ra một địa bàn chiến lược quan trọng, uy hiếp trực tiếp phía đông quốc lộ 13 và hệ thống phòng thủ của đối phương trên hướng bắc Sài Gòn, làm thay đổi đáng kể tương quan về thế trận trên chiến trường Đông Nam Bộ có lợi cho ta”. Chiến thắng đường14 – Phước Long còn có ý nghĩa là “trận trinh sát chiến lược” nhằm thăm dò thực lực quân đội Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ, làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.
Chiến thắng đường 14 – Phước Long đánh dấu một bước suy sụp mới của quân đội Sài Gòn. Cho thấy, đội quân này không còn khả năng mở những chiến dịch quy mô lớn để giành lại các khu vực quan trọng bị ta chiếm, ngay cả trên tuyến phòng thủ vành ngoài Sài Gòn – Gia Định.
Thực tế, khi chiến sự đang diễn ra, Đồng Xoài bị mất, Phước Long bị Quân Giải phóng uy hiếp, nhưng chính quyền Sài Gòn gần như không có động thái nào cứu vãn tình hình. Trong thư kêu cứu của linh mục Trần Đức Sâm – Chánh xứ Phước Long gửi cho linh mục Cao Văn Luận (thư này sau được linh mục Luận gửi tới Thiệu) đã nêu rõ tình hình bi đát tại Phước Long: “… quân đội, cả sĩ quan đều chỉ nghĩ đến một chuyện một chạy, hai chết… Hiện nay, nhìn vào tình hình Việt Cộng, nhìn vào tinh thần lính, nhìn vào sự tăng viện nhỏ giọt của quân đoàn (chỉ Quân đoàn 3 của VNCH) không ai có thể tin là Phước Long có thể cầm cự nổi nếu bị đánh …”.
Đến ngày 03/01, khi Phước Long sắp thất thủ chính quyền Thiệu mới phản ứng nhưng Nội các chỉ đề ra Kế hoạch phản kháng vụ Cộng sản đánh chiếm tỉnh Phước Long. Kế hoạch này “…ghi nhận sự hi sinh cao cả và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân, dân… Ủy nhiệm Bộ Ngoại giao thay mặt chánh phủ VNCH bày tỏ trước dư luận trong và noài nước”. Có thể thấy những hành động nhằm trấn an binh lính, chính quyền Thiệu vẫn ở “trạng thái” chờ đợi sự phản ứng từ Mỹ.
Ngày 07/01 khi Phước Long bị quân Giải phóng chiếm, Thiệu tuyên bố sẽ “tái chiếm Phước Long” nhưng thực chất như trong bản Dự thảo Lời kêu gọi của Tổng thống VNCH cho thấy chính quyền Sài Gòn không đủ sức tái chiếm: “Bày tỏ mối ưu tư của nhân dân và chính phủ đối với số phận quân, dân, cán bộ còn ở Phước Long. Đồng thời khéo léo trấn an dư luận rằng Phước Long không phải mất vĩnh viễn và giành 3 ngày để truy niệm, cầu nguyện….”.
Đại tá Phạm Bá Hoa, phụ tá hành quân của đại tướng Cao Văn Viên (quân đội VNCH) thổ lộ: “Có thể nói tất cả chúng tôi đều bàng hoàng. Không khí lo ngại bao trùm, ưu tư đè nặng mọi người. Cái chính là thất bại Phước Long đã nói lên thế và lực của Quân lực VNCH. Chỉ mới bị đánh một điểm mà đã không còn lực lượng để đối phó, hỏi bị đánh mạnh nhiều nơi thì sẽ ra sao? Tình hình đó đã dồn chúng tôi đến sự hoang mang, bi quan”.
Bản thân Thiệu, theo như Cục 2 (Tổng cục Tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam) báo cáo: “Trong những ngày thất thủ Phước Long, Nguyễn Văn Thiệu chủ toạ một cuộc họp khẩn cấp tại dinh Độc lập. Trước các tướng tá, Thiệu tuyên bố không tăng viện cho Phước Long hay cố gắng lấy lại tỉnh này, vì phải trả giá quá cao, quân nguỵ không đủ máy bay và quân trù bị. Nếu muốn tăng viện Phước Long, phải lấy quân từ nơi khác mà những nơi này, cũng đang bị Bắc Việt sửa soạn tiến công”.
Có thể thấy chiến thắng đường 14 – Phước Long giúp chúng ta đánh giá đúng thực lực của quân đội Sài Gòn: quân đội VNCH đông nhưng không mạnh, trang bị hiện đại nhưng tinh thần rệu rã, dễ dao động, dễ hoảng loạn. Khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, quân đoàn, vùng chiến thuật không hiệu quả, năng lực phòng thủ yếu.
Chiến thắng Phước Long cũng giúp cho nhận định: “Khả năng Mỹ quay lại can thiệp vào chiến tranh Việt Nam không nhiều” của Bộ Chính trị trở thành lời khẳng định. Khi Phước Long có nguy cơ thất thủ, chính quyền Thiệu chờ phản ứng từ Mỹ trong vô vọng. Ngày 01/01 Thiệu tiếp phái đoàn Quốc hội Mỹ Thiệu đã phải thốt lên: “Sự cam kết (về viện trợ) của Hoa Kỳ có giá trị gì không? Và lời nói của Hoa Kỳ có đáng được tin tưởng không?”.
Bộ Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương có hành động nhưng mang tính cầm chừng, lấy lệ. Bản thân Washington cũng rất lúng túng trong vấn đề Phước Long, trong bài trả lời phỏng vấn đài NBC ngày 24/01/1975, tổng thống Mỹ G.Ford “bày tỏ mối lo âu của ông về tình trạng khó khăn của ông mà VNCH phải gánh chịu, đồng thời hi vọng rằng, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tán đồng quan điểm của ông về viện trợ thêm 300 triệu Mỹ kim cho VNCH”. Tuy nhiên, lời đề nghị của Tổng thống Ford bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.
Gabriel Kolko trong tác phẩm Giải phẫu một cuộc chiến tranh nhận xét “Việc Quốc hội Mỹ không cho viện trợ bổ sung đã đẩy VNCH vào một cuộc khủng hoảng tâm lý chính trị trong giai đoạn cuối của cuộc đời nó”. Dù chính quyền Sài Gòn có nhiều nỗ lực nhằm kêu gọi quốc tế lên án “Cộng sản Bắc Việt phá vỡ Hiệp định Ba -lê” nhưng lời kêu gọi gần như bị quốc tế quên lãng.
Sự thờ ơ của dư luận quốc tế và sự bỏ rơi của Mỹ đã làm cho chính quyền Sài Gòn rơi vào trạng thái hụt hẫng, sĩ quan, binh lính suy sụp, tinh thần rệu rã. “Nó chính lại là một trong những chiếc đinh cuối cùng đóng lên chiếc quan tài của quân đội Sài Gòn” như lời Nhà báo Mỹ Alan Dawson.
Sự phản kháng yếu ớt của chính quyền Thiệu và sự “buông xuôi” của Washington là cơ sở để Bộ Chính trị khẳng định: “thời cơ lịch sử và khả năng thực tế để quyết chiến những trận cuối cùng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Chúng ta nhất trí phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”. Đây là nhận định quan trọng nhất, quyết định đến thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Đồng thời, Chiến thắng đường số 14 – Phước Long cho thấy Quân Giải phóng đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Quân đoàn 4 – Binh đoàn Cửu Long mới thành lập trong thời gian ngắn (tháng 7/1974) nhưng có thể tiến công tiêu diệt địch ở các căn cứ phòng thủ cấp chi khu, tiểu khu trên phạm vi cấp tỉnh. Chiến dịch để lại nhiều kinh nghiệm cho quân ta trong việc tiến công đối với các cứ điểm phòng ngự vững chắc, các kinh nghiệm về chọn hướng tấn công, hợp đồng binh chủng…
Với những ý nghĩa trên, chiến thắng đường 14 – Phước Long là chiến thắng bản lề, là chìa khóa mở ra Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – tổng tấn công vào Sài Gòn – thành trì cuối cùng của chính quyền VNCH, đưa nước Việt Nam đến thống nhất hoàn toàn.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202501/chien-thang-duong-14-phuoc-long-chia-khoa-mo-ra-dai-thang-mua-xuan-1975-6d820c1/