(LĐ online) – Ngày 12/8, ông Bùi Văn Văn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, nhằm đảm bảo nguồn vốn vay ưu đãi cho nông hộ có đủ kinh phí đối ứng trước khi nhập bò sữa về nuôi đợt 2/2023, UBND huyện Cát Tiên đã chỉ đạo cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội và Hội Nông dân huyện khẩn trương giải ngân cho hộ dân đảm bảo theo tỷ lệ đã giao.
Nông dân huyện Cát Tiên cần được giải ngân kịp thời vốn vay ưu đãi để đủ kinh phí đối ứng trước khi nhập bò sữa về nuôi đợt 2/2023 |
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên được các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị và địa phương quan tâm phối hợp triển khai và đạt một số kết quả nhất định. Đến ngày 11/8, tổng số bò sữa đã ký cam kết thực hiện là 267con của 27 hộ/ tại 8 xã, thị trấn. Dự kiến, ngày 14 và 15/8, huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục nhập bò về nuôi đợt 2 với số lượng 91 con của 13 hộ tại 5 xã, thị trấn.
Tuy nhiên, theo nội dung ký kết hợp đồng cung ứng bò giữa Dalatmilk và nông hộ từ năm 2022 đến nay, trước khi Dalatmilk vận chuyện bò về nhập cho hộ dân nuôi, hộ dân phải chuyển phần kinh phí đối ứng 38% (kinh phí nông hộ tự có 18% và vốn vay ưu đãi thuộc Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân huyện quản lý là từ 18 – 20%). Nhưng đến nay, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mới chỉ giải ngân cho 5 hộ của xã Tiên Hoàng (25 triệu đồng/hộ), Hội Nông dân huyện chưa giải ngân.
Nhằm đảm bảo nguồn vốn vay ưu đãi cho nông hộ có đủ kinh phí đối ứng trước khi nhập bò sữa về nuôi đợt 2/2023, UBND huyện Cát Tiên yêu cầu Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội và Hội Nông dân huyện khẩn trương giải ngân cho hộ dân, đảm bảo theo tỷ lệ đã giao để hộ chăn nuôi có đủ nguồn vốn đổi ứng chuyển trả trước cho Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt khi nhập bò. Đồng thời, khi hộ dân cần vay thêm nguồn vốn thế chấp để phát triển chăn nuôi bò sữa thì nghiên cứu, xem xét hỗ trợ nông hộ vay theo hướng phù hợp nhất để tạo động lực cho hộ chăn nuôi bỏ sữa yên tâm và tập trung phát triển chăn nuôi bền vững góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, thành viên ban chỉ đạo thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, các cơ quan đơn vị, UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, nắm bắt nhu cầu vốn của hộ đăng ký chăn nuôi bò sữa để kịp thời báo cáo UBND huyện để chỉ đạo giải quyết.