Đại hội Đảng, ngoài vấn đề xây dựng văn kiện về chính trị, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế, phát triển xã hội, chính sách quốc phòng, an ninh, ngoại giao thì có một vấn đề hết sức quan trọng đó là khâu tổ chức, nhân sự, con người. Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, nhưng người lãnh đạo chủ chốt của các cấp cũng có vị trí vai trò quyết định đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ.
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng |
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới nay, Đảng đã xử lý kỷ luật rất nhiều cán bộ, trong đó có cả những cán bộ giữ các cương vị lãnh đạo rất cao của Đảng và Nhà nước. Thậm chí, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội cũng đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Điều này cũng để khẳng định và như một lời hứa của đảng cầm quyền trước Nhân dân là không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tất nhiên, việc nhiều cán bộ cao cấp cả nghỉ hưu và đương chức bị xử lý là một câu chuyện đáng buồn. Đó là một bài học cay đắng của công tác lựa chọn cán bộ. Việc lựa chọn cán bộ sai lầm đã đưa tới những hệ quả vô cùng tai hại. Tác hại của việc lựa chọn, bố trí sai người này không những làm hỏng ngay chính con người ấy, làm liên lụy đến gia đình, người thân của họ mà còn để lại tác hại không lường đối với xã hội mà phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục. Thế nhưng, tác hại lớn nhất của việc bố trí, sử dụng sai cán bộ cấp chiến lược chính là nó làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ, vào bộ máy công quyền. Đó là mất mát lớn nhất khó có gì bù đắp.
Các nội dung mà Hướng dẫn số 08-HD/UBKTTW nêu ra thực chất là sự khái quát một cách có hệ thống các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Chẳng hạn trước đây, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII đã đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp rất quan trọng là: “Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”.
Hướng dẫn số 08 yêu cầu không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm. Những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Không để lọt cấp ủy khóa mới những người vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc…; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính…
Tất nhiên, quy định thì vẫn là lý thuyết, ngay cả câu chuyện thế nào là người không “xứng đáng” cũng rất khó để phân định. Vậy nên, khi đương thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu những người làm công tác tổ chức cán bộ phải có “con mắt tinh đời”, để “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Những người có lòng dạ không ngay thẳng, chứa đựng mưu mô thường là những người giỏi luồn cúi, họ luôn luôn đổi màu như tắc kè, luôn luôn làm hài lòng cấp trên, luôn luôn biết sử dụng các chiêu bài mị dân. Không để lọt những người “chạy chức, chạy quyền”. Những kẻ đã đi chạy chức chạy quyền hẳn nhiên không thông báo rằng tôi đã từng chạy chỗ nọ, chỗ kia. Những người tiếp tay cho chạy chức chạy quyền đương nhiên chẳng ai lại: “lạy ông tôi ở bụi này”. Người xưa bảo “nhìn mặt mà bắt hình dong”, có thể không đúng tất cả nhưng cũng có những điều không hẳn không phù hợp với thực tiễn hôm nay. Một người lãnh đạo thường trải qua nhiều quá trình hoạt động, nhiều cương vị khác nhau. Kết quả công tác của họ chính là thước đo đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá về người cán bộ ấy. Một nhà lãnh đạo tận tâm, thật sự vì dân vì nước là người luôn thao thức, đau đáu với vận mệnh của đất nước và số phận của dân tộc mình, họ sẽ nhỏ những giọt nước mắt kín đáo trước những khó khăn, cơ khổ của đồng bào. Hiểu như vậy, họ sẽ gần dân hơn, hiểu dân hơn, thấu lòng dân hơn để không vội vã ban hành, không liên tục cho ra đời những chính sách làm cho lòng dân ta thán. Họ sẽ không có “sân trước, sân sau”, không lợi dụng chức vụ để trục lợi, không để người thân lợi dụng uy tín của mình để sống xa hoa, lãng phí…
Đại hội Đảng các cấp, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc sẽ giới thiệu và lựa chọn những đồng chí tham gia cấp uỷ, họ phải thật sự là bộ phận tinh tuý nhất của Đảng. Sau khi tham gia cấp uỷ, những đồng chí này sẽ được giới thiệu để nắm các cương vị bên Nhà nước, đó chính là điều mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân kỳ vọng và mong muốn họ phải thật sự phải là những người tận tâm, tận lực, vì nước, vì dân. Vậy nên, chắc hẳn Nhân dân kỳ vọng cần phải có những cơ chế đặc biệt để lựa chọn được những người thật sự xứng đáng trong những người xứng đáng. Đã đến lúc, một chức danh cần phải có vài ba ứng cử viên để các ứng cử viên tranh luận công khai trước, tổ chức, trước người dân, công bố chương trình hành động của mình để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân giám sát.
Việc ban hành Hướng dẫn số 08-HD/UBKTTW trong bối cảnh hiện nay với những nội dung chi tiết, cụ thể sẽ giúp quá trình sàng lọc, lựa chọn được tốt hơn.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202412/can-bo-la-goc-cua-moi-cong-viec-ky-2-fb73229/