(LĐ online) – Chiều 12/8, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Lâm Đồng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng đoàn công tác làm việc tại tỉnh Lâm Đồng |
Về phía Lâm Đồng, tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Đức Quận – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo Phòng Nội vụ các huyện, thành phố.
Thay mặt UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội của tỉnh trong những tháng đầu năm nay cũng như kết quả công tác quản lý nhà nước ngành nội vụ Lâm Đồng từ năm 2021 đến tháng 6/2023.
Đến nay, Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Hiện, tỉnh có 18 sở, ban, ngành và 1 tổ chức hành chính tương đương (Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh); có 110 phòng chuyên môn, chi cục và các tổ chức tương đương; so với năm 2021 giảm 2 phòng và tăng 4 phòng chuyên môn.
Ở cấp huyện đã giải thể 11 Phòng Dân tộc; đến nay có 144 cơ quan chuyên môn thuộc 12 huyện, thành phố. Toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay có 741 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, giảm 13 đơn vị so với năm 2021.
Trong quản lý biên chế, giai đoạn 2015-2021 tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu giảm 10% biên chế so với năm 2015. Năm 2021, được giao 2.502 biên chế công chức, giảm 282 biên chế; giao 26.322 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 2.905 người so với 2015. Trong thời gian đến, tỉnh tiếp tục giảm biên chế theo lộ trình từng năm, đảm bảo đến năm 2026, tổng biên chế giảm tối thiểu 5% biên chế công chức và tối thiểu 10% biên chế viên chức so với năm 2022.
Hiện, Lâm Đồng còn thiếu biên chế hành chính và sự nghiệp theo định mức hiện hành. Cụ thể, thiếu 164 biên chế kiểm lâm nên tỉnh phải sử dụng 41 biên chế sự nghiệp để bố trí cho các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước. Trong ngành giáo dục do sỹ số học sinh trong các trường mầm non và phổ thông công lập đều tăng nhưng lại được giao số lượng người làm việc thấp hơn định mức; tổng số biên chế sự nghiệp giáo dục tỉnh còn thiếu 1.775 biên chế so với định mức.
Đối với biên chế cán bộ công chức, năm 2023 được giao 2.488 biên chế, đã tuyển dụng 2.215, chưa tuyển dụng 273 biên chế, tỉnh đang có kế hoạch tuyển dụng trong thời gian đến. Đối với lượng người làm việc, năm 2023 được giao 25.698 biên chế, đã tuyển dụng 24.633 biên chế, chưa tuyển dụng 1.065 biên chế, việc tuyển dụng này được phân cấp, các cơ sở căn cứ vào nhu cầu, số lượng người làm việc được giao để xây dựng kế hoạch tuyển dụng.
Trong giai đoạn 2021-2022, Lâm Đồng đã tuyển dụng 230 công chức; còn với viên chức từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đã tuyển dụng 1.539 viên chức theo quy định. Cũng từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 745 cán bộ, công chức, viên chức kể cả cấp xã nghỉ, thôi việc; trong đó, có 124 cán bộ công chức và 621 viên chức (có 317 viên chức giáo dục, 205 viên chức y tế và 99 viên chức khác).
Trong đào tạo bồi dưỡng, tổng cộng từ 2021 đến tháng 6/2023 đã có 16.099 lượt cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được đào tạo.
Trong sắp xếp đơn vị hành chính, từ 2019 -2021, tỉnh đã thực hiện việc sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 5 đơn vị hành chính, từ 147 cấp xã nay còn 142. Trong thời gian đến, Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính; trong đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành 1 huyện, dự kiến lấy tên là huyện Đạ Huoai; nhập toàn bộ huyện Lạc Dương vào đơn vị hành chính TP Đà Lạt; điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã của huyện Bảo Lâm (gồm các xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam và Tân Lạc) vào TP Bảo Lộc. Với cấp xã, nhập đơn vị hành chính xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị của Đạ Tẻh; nhập đơn vị hành chính xã Quảng Lập vào xã Pró thuộc huyện Đơn Dương.
Trong cải cách hành chính, đến nay, tỉnh đã hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; xây dựng tập trung thống nhất cho các sở, ngành, các huyện, thành phố và cho toàn bộ 142 xã, phường trong tỉnh.
Tỉnh đến nay cũng hoàn thành chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho Bưu điện tỉnh; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Lâm Đồng cũng nỗ lực lớn trong cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Tỉnh trong dịp này đã kiến nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành các chính sách đẩy mạnh việc tự chủ xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục; xây dựng lại định mức người làm việc với một số ngành nghề như giáo dục và đào tạo, kiểm lâm, lĩnh vực giao thông…, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tỉnh đề nghị giao bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu so với định mức là 1.775 biên chế để phân bổ cho các trường học trong tỉnh.
Lâm Đồng cũng có các đề nghị liên quan đến lĩnh vực chính quyền địa phương, đến cán bộ công chức cấp xã cũng như trong lĩnh vực cải cách hành chính.
Nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh cũng được các thành viên trong đoàn làm việc của Bộ Nội vụ giải đáp.
Đồng chí Trần Đức Quận ‘ Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận đã bày tỏ quyết tâm của tỉnh trong thực hiện tốt việc sắp sếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sắp đến; đồng thời, cho biết Lâm Đồng sẽ có cơ chế chính sách để thu hút các chuyên gia về làm việc tại tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu kết luận buổi làm việc |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đánh giá cao nỗ lực của Lâm Đồng trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững tăng trưởng trong thời gian qua, đặc biệt là trong thu ngân sách, trong phát triển du lịch – dịch vụ, trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị cũng như trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao dẫn đầu cả nước hiện nay.
Bộ trưởng cũng biểu dương Lâm Đồng trong thời gian qua đã xây dựng được một chính quyền thân thiện, gần dân, hướng đến tính phục vụ dân. Bộ trưởng lưu ý trong thời gian đến, trong giảm biên chế theo lộ trình quy định của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng cần gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách tài chính công; tăng tính tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; mạnh dạn phân cấp, phân quyền trong điều kiện và trong khả năng có thể của tỉnh; thúc đẩy xây dựng xã hội số và công dân số; tăng cường công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, nhất là chuẩn hóa cán bộ, công chức, viên chức ở cấp cơ sở để tiến đến liên thông các cấp từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, thành và cấp xã, phường.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao vật phẩm lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng |
Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần chú ý đến đối tượng là phụ nữ, người đồng bào dân tộc thiểu số; chú ý thúc đẩy các phong trào thi đua, biểu dương các mô hình, các tấm gương điển hình tiên tiến để nhân rộng trong cộng đồng.