Được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, Khu du lịch Bà Nà Hills với những dãy núi đan xen, xếp chồng lên nhau giữa bồng bềnh sương phủ sáng, chiều, tạo hấp dẫn cho du khách muôn nơi đến trải nghiệm, khám phá những điều ký thú mới lạ.
Cầu Vàng dập dìu du khách |
Được ngành Du lịch Việt Nam tôn vinh là Khu du lịch hàng đầu trong nước, Khu du lịch Bà Nà Hills đã tạo dựng và nâng cao niềm tin với du khách ngay khi đến lần đầu hay những lần trở lại. Bởi vậy, du khách đặt chân vào thành phố đáng sống Đà Nẵng thường có câu hỏi cũng đồng thời là câu chọn lựa điểm đến quen thuộc “Đi lên Bà Nà Hills vào giờ nào trong ngày?!”. Hôm đó, vào giữa tháng 9/2023 trời thu, đoàn chúng tôi từ cao nguyên mờ sương Đà Lạt bố trí thời gian lên Bà Nà Hills vào giữa giờ buổi sáng. Trước sảnh vào ga cáp treo, người đông như trẩy hội. Dòng người xếp hàng chầm chậm từng bước chân giữa hai hàng lan can thiết kế song song với nhau. Khách các vùng, miền trong nước khá nhiều và khách quốc tế cũng không ít. Đoàn chúng tôi trải nghiệm theo từng nhóm, nên được hướng dẫn viên của khu du lịch chỉ đường đến 2 sân ga cáp treo theo 2 hướng tham quan.
Quần thể kiến trúc Pháp cổ xưa tại khu trung tâm Bà Nà Hills |
Ngồi trong ca bin cáp treo chung với nhóm khách đến từ Đài Loan, họ tỏ ra vui nhộn sau phút đầu tiên xuất phát. Qua lớp kính trong suốt, những màng sương bay bồng bềnh trên rặng núi phía trước xa xa, còn ô kính phía dưới và hai bên vai thoảng qua từng làn khói mây giăng giăng rồi tan loãng vào cánh rừng nguyên sinh xanh mướt. Ở phía sau lưng cabin là khoảng không gian rộng lớn của phố thị, đồng bằng ven biển. Bước xuống sân ga đến với độ cao gần 1.500 m, không khí lạnh mát thay thế không khí nhiệt đới của duyên hải miền Trung trước đó vài chục phút, cảm giác thật khoan khoái, dễ chịu. Thì ra điểm đến của hai hướng sân ga cáp treo tọa lạc hai bên vòng cung của khu trung tâm biểu diễn nghệ thuật, điểm nhấn là quả cầu khổng lồ, phía trước đặt bức tượng của văn hào người Pháp – Victor Hugo, gợi nhớ tác phẩm “Những người khốn khổ” nổi tiếng của ông. Phần lớn du khách lần lượt chụp hình lưu niệm với bức tượng chân dung nhà văn này.
Những tuyến cáp treo đông đúc du khách |
Đứng đây, du khách được nhìn bao quát một không gian tổ hợp những công trình kiến trúc quần thể làng mạc, đô thị, nhà thờ, khách sạn, quảng trường nước Pháp độc đáo từ cổ xưa với từng chi tiết mềm mại, tinh tế trên tường đá, ô cửa vòng cung, mái lợp nâu trầm, đỉnh tháp hình nón… trong tiết trời bàng bạc màu sương. Dừng chân lại lâu hơn chút nữa được thưởng thức các tiết mục thưởng thức nghệ thuật ca, múa, nhạc, xiếc của diễn viên, nhạc công đến từ các châu lục trên thế giới. Sau mỗi tiết mục, du khách chụp hình lưu niệm chuyến đi với các nghệ sĩ.
Những chiếc cabin cáp treo nối tiếp lên Bà Nà Hills bềnh bồng sương phủ |
Dạo gót xung quanh khu quảng trường trung tâm, Bà Nà Hills hiện lên những cụm hoa, lá, cây kiểng phối cảnh hài hòa với phong cách kiến trúc Pháp trên hệ thống khung cửa hình vuông, trên lối đi mái vòm, bên những chiếc xe cổ ghi dấu thời gian. Ở khu vực lưng chừng đồi phía dưới có những khu vườn đa sắc hoa trên nền cây lá thấm đẫm hơi sương mỗi ngày tươi tốt, thu hút du khách với các tên gọi “Vườn Địa Đàng”, “Vườn Uyên Ương”… Đặc biệt, du khách lơ lửng trên đường cáp treo trên không trung để đặt chân đến chiếc Cầu Vàng dài 150 m, mặt cầu rộng gần 13 m, được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ đúc thành tượng đá. Đến thời gian gần trưa, trên chiếc Cầu Vàng vẫn đông đúc du khách tham quan, chiêm ngưỡng bốn bề đồi núi trập trùng, mây trắng vờn quanh…
Trở về theo đường cáp treo “hạ cánh” dưới chân núi với nắng, gió, không có sương phủ bồng bềnh như trên núi cao, du khách mới hay Bà Nà Hills với những dòng quảng bá trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội với hệ thống 5 tuyến cáp treo công suất 7.000 khách/giờ, phần lớn xác lập kỷ lục thế giới và đạt các giải thưởng quốc tế. “Phối kiểm” lại mình vẫn còn nhiều sản phẩm du lịch Bà Nà Hills chưa được trải nghiệm trong một buổi sáng ngày thu vừa qua, nên dành một lời hẹn gặp lại…