Lần đầu tiên, một trại sáng tác âm nhạc do UBND TP Đà Lạt mở ra nhằm sáng tạo những ca khúc hay, đẹp mang nhịp điệu, hơi thở thời đại chào mừng Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển.
NSND Đỗ Trường An trình bày ca khúc Đà Lạt thành phố trẻ của ông |
Theo đó, 19 nhạc sĩ tham dự trại, trong đó 9 nhạc sĩ là người Đà Lạt, 1 nhạc sĩ đến từ Đạ Tẻh, 2 nhạc sĩ đến từ Di Linh, 6 nhạc sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh, 1 nhạc sĩ đến từ Hà Nội. Trong đó, NSND nhạc sĩ Đỗ Trường An, hiện đang là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Trần Đức (72 tuổi) là người lớn tuổi nhất trại, là giảng viên giảng dạy tại các nhạc viện với nhiều tác phẩm đã được in vào sách giáo khoa; Tiến sĩ âm nhạc Trần Thanh Hà – giảng viên thanh nhạc; nhạc sĩ Đình Nghĩ – người từng viết nhiều bài hát hay cho Đà Lạt và là nghệ sĩ duy nhất của Lâm Đồng đến thời điểm này được vinh danh NSƯT và ông vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật. Các nhạc sĩ còn lại, nhiều người vừa là nhạc sĩ, vừa là họa sĩ, ca sĩ, nhà báo, nhà giáo, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trải đều ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có nhiều góc nhìn khác nhau về Đà Lạt.
Các tác phẩm trình bày tại trại viết tạo nên bữa tiệc âm nhạc |
Sau 10 ngày đêm miệt mài tư duy, trong khung cảnh tươi đẹp, cùng tình yêu với mảnh đất lành đã kết tinh thành 29 tác phẩm ra đời từ trại viết, đóng góp cho đời sống tinh thần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc những bài hát về Đà Lạt. Như nhạc sĩ, NSƯT Đình Nghĩ nhận định: Các tác phẩm là đơn ca, song ca, hợp ca với nhiều ca khúc hay đã dành cho xứ lạnh cao xanh, mộng mị Đà Lạt. Mỗi thành viên, mỗi nhạc sĩ đã dốc hết trí lực tinh thần, cùng chung một hướng giữa đại ngàn thông xanh, dưới vòm trời 130 năm thơ, nhạc Đà Lạt, từng giai từ, tiết điệu, nhịp điệu của mỗi nhạc sĩ lại khác hẳn. Người thì tạo nên bậc cung trầm xao xuyến, người thì lại lắng đọng vút bay, người thì ầm ào suối thác, người thì lãng đãng mây ngàn. Tạo nên một bức tranh đa sắc màu, đa âm thể, đa tính chất, bời bời cảm xúc.
Bay bổng nhiều giai điệu, ca từ đẹp về Đà Lạt 130 tuổi |
Ở tuổi 72, NGƯT Trần Đức đã đọng lại một tác phẩm tương phản với tuổi tác của mình, một tác phẩm mang phong cách tư duy của tuổi xuân đang bước vào cuộc sống mới. Điệu Swing Fox thật tươi sáng và hồ hởi được ông viết về một đề tài trực diện cho Đà Lạt, Đà Lạt – viên ngọc giữa cao nguyên 130 năm dựng xây hạnh phúc. NSND Đỗ Trường An tự hào và hạnh phúc anh tiếp xúc với văn hóa dân gian, nghệ thuật dân tộc từ khi chưa lọt lòng (bởi gia đình nghệ sĩ có truyền thống cha truyền con nối). Ca khúc “Đà Lạt thành phố trẻ” của ông mở đầu là một khúc hát khơi gợi, gọi mời chậm rãi “Mặt trời lên lấp ló ngang đỉnh núi”, đến khi vào nhịp thì dồn dập nhịp điệu Pop Rock tương phản hoàn toàn đoạn đầu. “Phố núi mờ sương khoác trên mình áo mới, Đà Lạt hiền hòa, Đà Lạt thanh lịch, Đà Lạt mến khách, Đà Lạt ơi Đà Lạt thành phố tình yêu”.
Hai tác giả đồng điệu một đề tài “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; một Hoài Anh có tố chất Hiphop thành phố buồn giờ không buồn nữa. Phố núi không buồn, phố núi đông vui, lạc quan yêu đời; một Trương Lê Sơn thì nhìn Đà Lạt đằm thắm hơn: “Thiên đường nào xa, là chốn quê nhà, em về lại đây sẽ ở lại đây”. Đà Lạt không em của Trọng Hoàng nhưng em lại ngoan hiền như thơ ca, cây cỏ tác giả đưa vào trong ca khúc mượt mà lắng đọng “Giờ xa thật rồi, em thơ ngây, ta dại khờ…”. Cùng là giáo viên âm nhạc nhưng Trần Thu Hường có cái nhìn rộn ràng đắm đuối “Thăm Lang Biang hòa chung một nhịp, dáng em làm duyên bên đồi cỏ hồng. Đà Lạt của em – nhạc sĩ Cao Nguyên lại trong trẻo là một bản Romance chầm chậm trữ tình: “Sương tan đón bình minh, Đà Lạt xinh trong nắng, Đà Lạt của em, Đà Lạt của em”.
Hai tác giả Vũ Uy và Trần Khánh Nam – Một Đà Lạt tím đợi chờ, một hoàng hôn phố núi với những quãng 5 bừng lên, những quãng 4 trùng xuống tạo nên một nét dân ca đậm đà bản sắc. Đà Lạt tím chờ ai, thấp thoáng chiều mơ, ngơ ngác tâm hồn. Cứ thả hồn theo cung bậc chiều buông. “Một đóa Mimosa” – Văn Cường, “Xứ sở ngàn hoa tươi vui” – Thái Ca, hai tác giả là nhà báo nhưng rất chuyên nghiệp trong thủ pháp sáng tạo âm nhạc, một điệu Valse trong lành, một Romance lắng đọng “Một đóa Mimosa thắm tình – Xứ ngàn hoa tươi vui, ngập tràn sức sống gửi trọn tình yêu”.
Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh đã chinh phục văn hóa bản địa các dân tộc Cil, Lạch – K’Ho, Mạ với khúc hát là tiếng lá, tiếng chim hòa quện vào nhau thành một dòng suối xua mọi ưu phiền. Nhạc sĩ Minh Thu, chàng trai trẻ của Đoàn Ca múa nhạc Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng đã cống hiến trọn tình với 2 ca khúc, một sôi nổi trẻ trung, một đằm thắm lắng sâu. “Nồng nàn Đà Lạt” và “Lãng đãng Đà Lạt” là một khúc Bala’ale dạt dào cảm xúc qua lời thơ của Trần Thanh Hoài “Chiều Đạ Lạch vô vàn cầu hát, khúc yal yao lắng xuống kinh cầu”. NSƯT Đình Nghĩ với ca khúc “Nghiêng bờ xa xăm” về hồ Xuân Hương – nơi dòng Đạ Lạch trầm tích hình thành “Trái tim cao nguyên”, Xuân Hương ơi, dã quỳ mộng mơ, cuộn vòng tuổi thơ… Dọc đường chiều nay, cỏ dại tỉnh say, chuông ngân nga tha phương, lên men đêm mưa sương xuống phố cũ nhớ thương Xuân Hương gương soi gọi mời”.
“Đà Lạt ngày xa em” của họa sĩ, nhạc sĩ Vi Quốc Hiệp có chất thính phòng với những quãng nhảy rất xa “Mưa triền miên giăng khắp hàng cây, Đà Lạt xôn xao vào mùa quỳ nắng. Đà Lạt khắc khoải nhớ em”. Ở tuổi đời 24, nhạc sĩ Phạm Quỳnh – chàng trai trẻ nhất trại viết làm nên một “Đà Lạt và kỷ niệm” sôi động rất trẻ trung của thế hệ @. Bình minh nhẹ rất xa, Đà Lạt tình yêu nơi ta – thật dễ thương, thật trân trọng.
Những giai điệu bay bổng, những ca từ đẹp đẽ là tình yêu, là tiếng lòng của tác giả, của đất và người Đà Lạt cất lên mời gọi du khách đến với miền đất tươi đẹp này.