Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Chị Lê Thị Thu – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Đức kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi của các hội viên |
Xã Lộc Đức là một trong những địa phương phát triển kinh tế bền vững của huyện Bảo Lâm; trong đó, có sự đóng góp tích cực từ nguồn vốn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm. Từ nguốn vốn vay ưu đãi, các chị em phụ nữ đã sử dụng có hiệu quả, nhiều trường hợp đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu nhờ thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong nhà kính; chuyển đổi cây trồng như: Trồng sầu riêng Thái, cà phê giống mới cho năng suất, chất lượng cao…
Chị Lê Thị Thu – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Đức cho biết, để giúp chị em phụ nữ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi cũng như các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, vận động, đôn đốc ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn tham dự đầy đủ các phiên giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; hướng dẫn các tổ viên thực hiện giao dịch với ngân hàng; vận động tổ viên chấp hành quy ước hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết với ngân hàng.
Mặt khác, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ Hội, đoàn thể cấp xã và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, trong năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Đức đã chỉ đạo các chi hội tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội; tập trung tham gia vào một số lĩnh vực mũi nhọn phù hợp do phụ nữ chủ động thực hiện.
Trong năm 2024, nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ có nguồn vốn phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 41 hộ vay với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số khách hàng vay vốn thuộc các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý là 252 hộ, với tổng dư nợ nhận ủy thác do Hội quản lý hơn 18,111 tỷ đồng. Nguồn vốn vay đã giúp cho các chị em hội viên phụ nữ đầu tư vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, qua đó góp phần vào việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng xã nông thôn mới…
Mặt khác, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Đức hiện có 275 hội viên tham gia thực hiện gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền hơn 1,043 tỷ đồng; trung bình, mỗi hội viên tham gia gửi tiết kiệm với số tiền 3,8 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Đức hiện không có trường hợp nào thuộc diện dư nợ quá hạn, không có lãi tồn. Qua đó, trong năm 2024, 7/7 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý đều được đánh giá xếp loại tốt.
Trong khi đó, tại xã Lộc Tân, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm cũng vừa tiến hành giải ngân số tiền 2 tỷ đồng từ nguồn tín dụng chính sách để hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đầu tư bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Theo đó, có 21 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Thôn 3, xã Lộc Tân đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Trung bình mỗi hộ vay từ 50 – 100 triệu đồng để đầu tư mua sắm vật tư, vật liệu để duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm. Tổ dệt thổ cẩm tại Thôn 3, xã Lộc Tân có hơn 20 thành viên, công việc dệt thổ cẩm của các chị, em chủ yếu tranh thủ thời gian nông nhàn. Nhà sàn của thôn vừa là nơi trưng bày sản phẩm và cũng là nơi để chị em cùng nhau dệt thổ cẩm và truyền dạy lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp chị, em có thêm nguồn thu nhập cho gia đình mà còn phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc tại địa phương.
Theo bà Trương Thị Lệ Phương – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm, hiện đơn vị đang có chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình; quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, đối tượng chính sách. Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân, quy mô mở rộng, chất lượng tín dụng được nâng lên và duy trì bền vững, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi được nhân rộng.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho người dân có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, đơn vị sẽ tập trung, chú trọng đến xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng các mô hình tiên tiến, điển hình để nhân rộng; tiếp tục quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm phát triển bền vững hoạt động tín dụng chính sách ở huyện Bảo Lâm.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202501/bao-lam-phat-trien-cac-mo-hinh-kinh-te-hieu-qua-tu-nguon-von-uu-dai-f945da8/