Tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Bảo Lâm nhìn chung phát triển ổn định và có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Đó là đánh giá chung của UBND huyện tại Hội nghị mở rộng đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng còn lại năm 2024 vừa diễn ra mới đây.
Vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến chè Ô long. Ảnh: Tư liệu |
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm, trong 9 tháng đầu năm 2024, nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động trong việc thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương. Sản xuất công nghiệp – xây dựng tiếp tục phát triển khá, lĩnh vực thương mại – dịch vụ có mức tăng so với cùng kỳ năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm 30,72%; công nghiệp – xây dựng chiếm 51,87% và dịch vụ chiếm 17,41% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 228 triệu USD, đặc biệt tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 773 tỷ đồng, bằng 75% dự toán và bằng 83% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện, đến nay, Bảo Lâm duy trì 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xã Lộc An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 7,7%; đồng thời huyện cũng đã trình hồ sơ công nhận xã Lộc An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường và xã Lộc Ngãi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Bảo Lâm cơ bản đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và 30/36 chỉ tiêu bộ tiêu chí. Duy trì 13 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”, thị trấn Lộc Thắng giữ vững tiêu chí đạt chuẩn văn minh đô thị.
Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hoá đạt” 95%; có 14/14 xã, thị trấn duy trì bền vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 65,3%; tỷ lệ Bảo hiểm y tế toàn dân đạt 86,23%. Đáng chú ý, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,85%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 3,72…
Theo đánh giá của UBND huyện, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Bảo Lâm vẫn còn một số khó khăn, nhất là việc triển khai “Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản” theo Quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tạm dừng các dự án đầu tư trên địa bàn đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện và nhiều vấn đề liên quan về đất đai, xây dựng. Tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; công tác thu ngân sách phần tỉnh quản lý thu đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra, phần huyện quản lý thu từ lĩnh vực thuế, phí còn thấp.
Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, một số công trình, dự án chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải tạm dừng do chồng lấn với quy hoạch thăm dò khoáng sản; giải ngân nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; tai nạn giao thông tăng so cùng kỳ.
Để triển khai các giải pháp từ nay đến cuối năm với quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2024 đã đề ra, Chủ tịch UBND huyện Trương Hoài Minh đề nghị các phòng, ban, đơn vị; UBND các xã, thị trấn tiếp tục quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh 3 tháng cuối năm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2024. Tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách nhà nước, nhất là thu từ thuế phí.
Chủ tịch UBND huyện Trương Hoài Minh yêu cầu ngành chức năng huyện cần thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn; tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của huyện. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch vốn kéo dài, tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024 và xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Mặt khác, thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn, nhất là Dự án Bauxit – Nhôm; các nhiệm vụ liên quan đến Dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, quan tâm dự án khu dân cư, khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202410/bao-lam-duy-tri-muc-tang-truong-cao-hon-so-voi-cung-ky-916285d/