Lâm Đồng hiện có khoảng hơn 8 ngàn ha bơ với năng suất bình quân 154,2 tạ/ha, trong đó phần lớn diện tích bơ này được trồng xen trong vườn cà phê. Diện tích bơ tập trung chủ yếu ở Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lộc và huyện Đam Rông với các giống bơ chủ yếu là 034, 036 và một số giống nhập nội như bơ Booth 7, Pinkerton đang được trồng phổ biến.
Bơ 034 Lâm Đồng |
Thực tế những năm gần đây, khi bơ dần trở thành một trong những loại trái có giá trị kinh tế cao, giá cả cũng tăng nên các hộ nông dân có xu hướng mở rộng diện tích cây trồng này. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, do diện tích bơ tăng khá nhanh vì người dân trồng tự phát, mặc dù ngành Nông nghiệp cũng đã có những khuyến cáo không mở rộng diện tích bơ nhưng những khuyến cáo này không được người dân nghe theo. Một hai năm trở lại đây, giá bơ trên thị trường đã giảm rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Để ổn định giá, ngành Nông nghiệp của tỉnh cũng đã có những giải pháp nhằm tạo ổn định đầu ra cho cây bơ, cụ thể như thu hút đầu tư các nhà máy chế biến các sản phẩm từ bơ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thực hiện kế hoạch chế biến các sản phẩm từ bơ, tỉnh đã tăng cường thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp chế biến trái cây, đặc biệt là trái bơ, trong đó đã thu hút được 1 doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến trái cây tại TP Bảo Lộc, đó là Công ty TNHH B’lao Food. Công ty này hiện đã đi vào hoạt động với công suất giai đoạn 1 là 30.000 tấn thành phẩm/năm, trong đó chế biến sản phẩm bơ 15.000 tấn và giai đoạn 2 vào cuối năm 2023 sẽ tăng thêm 20.000 tấn, trong đó riêng đối với chế biến bơ tăng thêm 10.000 tấn/năm và 1 công ty nông sản việt đang trong quá trình đăng ký thực hiện.
Tỉnh cũng đẩy mạnh hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, vận động người nông dân tham gia chuỗi liên kết để sản xuất theo kế hoạch, tránh tình trạng sản xuất tự phát. Kết hợp với vận động các doanh nghiệp, HTX kinh doanh trái cây hình thành và mở rộng chuỗi liên kết đối với sản phẩm bơ. Điển hình hiện có 2 chuỗi liên kết là Công ty TNHH Long Thủy và Công ty Đức Huệ được hỗ trợ hệ thống cấp đông sâu và kho lạnh bảo quản theo dự án hỗ trợ liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP và Nghị quyết 104/2018/NQ-HĐND đang thử nghiệm cấp đông nhanh bơ 034 nguyên trái để xuất khẩu.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán để đưa sản phẩm bơ được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, thông qua các hoạt động, tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản như tổ chức các hội nghị kết nối, phát triển thương mại điện tử,… Qua đó, Sở đã kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng như các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Winmart, Lotte ký kết với các đầu mối thu gom cung cấp nông sản của tỉnh.
Tuy nhiên, việc quy hoạch, cân đối cung cầu và thị trường tiêu thụ bơ như thế nào để tránh rủi ro hiện vẫn là vấn đề chưa thật sự có thể giải quyết được căn cơ, dù có nhiều giải pháp đặt ra nhưng thực sự thì vẫn chưa có một hướng đi cụ thể nào có thể đảm bảo đầu ra ổn định mang tính bền vững nếu diện tích bơ vẫn tiếp tục tăng, trong khi thị trường tiêu thụ hiện nay gần như đã bão hòa và hầu hết chỉ là mang tính cung cấp nhỏ lẻ.
Do đó, để có những giải pháp lâu dài hiệu quả có thể tạo được đầu ra ổn định bền vững, cần có sự chung tay phối hợp thực hiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, trong đó sản xuất theo kế hoạch, định hướng, không chạy theo xu hướng, phong trào mà chưa nghiên cứu thị trường tiêu thụ, đầu ra là việc làm cốt lõi.