Minh họa: Phan Nhân |
Năm nay con trai vào lớp 5, sẽ chuyển từ ngôi trường trên núi về xuôi. Mẹ đã chuẩn bị mọi thứ cho năm học mới, thấy con vui vẻ mẹ cũng yên tâm, không ngờ tình cờ nghe con than với bà ngoại:
– Ngoại ơi, mai khai giảng rồi, con thấy hơi lo.
– Cháu chỉ việc vui vẻ đi khai giảng thôi!
– Khó mà vui vẻ được, cháu lo mình sẽ lúng túng í!
Đấy là lần đầu tiên tôi thấy con biết lo. Ra vậy, trẻ con còn có nỗi lo nào to bự bằng nỗi lo mình không được “bảnh bao toàn diện” trong ngày khai giảng, nỗi lo hồn nhiên chính đáng. Tôi liền động viên:
– Cô thầy và bạn bè chỉ lạ hôm khai giảng thôi, qua ngày hôm sau thì tất cả sẽ là những người con yêu thương hết, thậm chí mới ra khỏi cổng trường đã thấy nhớ.
– Con cũng không biết nữa. Nó lớn so với trường cũ. Đến một chiếc lá bàng ở sân trường con còn lạ huống chi. Và con sẽ cô đơn biết mấy trong ngày khai giảng khi mà tất cả các trò cũ đều rộn ràng nô nức.
Ôi, tội nghiệp con trai bé bỏng, mẹ xin lỗi tuổi thơ xáo trộn của con! Tại mẹ hết. Lời lên tới cổ chưa kịp nói đã nghẹn ngào chực khóc. Sai lầm của những bà mẹ là cứ yếu đuối trước mặt con – sực nhớ điều ấy tôi lật đật chỉnh đốn lại mình, lên dây cót cho con:
– Con là cậu bé dạn dĩ và cả “dũng cảm”. Mẹ sợ khai giảng xong con lại bảo tưởng ngôi trường khổng lồ, ai dè chỉ một lát sáng con đã đi khắp trường rồi.
– Sao mẹ nói vậy?
Tôi trả lời câu hỏi bằng cách kể về ngày khai giảng lớp một của con. Sáng hôm đó con hí hửng mặc quần áo và hát vang: “Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc….”, Hát “vừa đi vừa khóc” bằng giọng ngập tràn vui sướng. Và cũng khỏi cần mẹ dắt tay; cứ nằng nặc: Con đi một mình được! Nhưng mẹ nhất định đi cùng, gần như phải năn nỉ con. Cũng miễn cưỡng chiều mẹ nhưng con bảo trường gần nhà, con muốn được đi bộ. Ừ, thì đi bộ. Ra đường, con đi trước, yêu cầu mẹ phải đi sau. Trời ơi! Đi sao mà xấp xải, mẹ phải đi như chạy mới theo kịp con đó.
– Ai biểu mẹ mang giày cao chi?
– Tại mẹ nấm lùn nên phải ăn gian chứ ai biểu, hu hu… – tôi làm bộ khóc cho câu chuyện thêm kịch tính.
– Rồi mẹ có theo kịp con không?
– Khỏi phải nói luôn. Hậu quả của việc ráng đi nhanh là mẹ bị lật gót giày. Mới khom xuống mang lại, lúc ngước lên chẳng thấy cậu học trò ngày đầu tiên đi học của mẹ đâu.
– Ủa, sao con đi giống chim bay giữ. Rồi sao nữa?
– Mẹ cứ đi tới, đi nhanh, hy vọng sẽ gặp con. Nhưng tới cổng trường vẫn chẳng thấy con đâu. Học trò lớp một đông quá, mà mẹ cũng nôn về dự khai giảng trường mẹ nên phải điện nhờ chú Hưng ra trường tìm con.
– Kết quả con đã đứng xếp chứ gì?
– Ừ! Cũng còn nhớ hả?
– Con cũng nhớ mày mạy thôi, chú Hưng kể lại. Ông bảo thấy con mừng ghê gớm, lại hỏi sao đi nhanh dữ, con bảo đã nấp ngang bụi nhà ông Giáp để trốn mẹ.
Chuyện này tôi cũng nghe Hưng (em họ) méc lại hôm ấy rồi nhưng vẫn giả bộ không biết, ngạc nhiên nói:
– Thấy con ghê trời chưa? Từng ấy tuổi đã tìm ra mẹo trốn mẹ.
– Thì mẹ nghĩ xem, trường sát bên nhà mà mẹ phải dắt đi học, mặt mũi nào? Con là con trai mà!
– Ủa, chứ con đã trở thành con gái hồi nào?
– Ý mẹ là sao?
– Là giờ mình lớn hơn, trường cũng gần nhà mà bảo lo sợ khai giảng! Mẹ thấy hình như có cái gì đang sai sai…
– Chẳng sai một tí nào. Tại hồi đó con còn nhỏ nên không biết sợ. Giờ con lớn rồi, nên con phải biết sợ, điều đó hoàn toàn hợp logic.
– Nghe khẩu khí “người lớn” kìa, biết “hợp logic” luôn!
Cu con nghe mẹ nói vậy, mát lòng mát dạ cười hi hi. Để ảnh cười cho đã rồi mẹ bất ngờ bé lái:
– Theo “ngu ý” của mẹ, nếu đúng logic thì hồi nhỏ mới sợ, giờ lớn phải hết sợ chứ?
Con trai mỉm cười ra ý hết đường cãi, nhưng đôi mắt vẫn lấp ló lo âu.
Kết quả đêm trước ngày khai giảng năm đó, mẹ rất khó nhọc mới chợp được mắt. Dù mẹ dư biết sự lo lắng của mẹ sẽ thành thừa vì bản chất của ngày khai giảng là rộn ràng náo nức mà, đặc biệt với những đứa trẻ, rất dễ bị cuốn vào không khí khai giảng nên sẽ chẳng có thì giờ để băn khoăn chuyện lạ quen. Đến mẹ là cô giáo nhưng thấy các trò rộn ràng lòng cũng nao nao mà.
*
Con mãn lớp 5, trường cấp hai xa nhà đến năm cây số, con trai mẹ nhỏ con, nghĩ đến con đường cạnh cái mương lớn, mùa mưa gió hun hút từ cánh đồng thổi vào, mùa gió nam cồ, cỡ mẹ đây mà đạp xe gió hất thiếu nước rớt cả người với xe xuống mương nên mẹ rất lo. Cuối cùng, cũng tìm được nhà người quen gần trường, là bạn học phổ thông, nàng ấy hiện cũng đơn thân. Chỉ hỏi để con có chỗ trú tạm khi cần nhưng nàng vận động mẹ con tôi ở cùng. Tôi đồng ý vì thấy tiện cho con. Thú thực, lúc đó tôi đã có một bờ vai để những lúc thở than có người dỗ dành rồi. Nhưng anh ấy cũng mới ly hôn, cũng muốn để các con anh tự nguyện chấp nhận thay vì áp đặt một người “dì” mới nên anh chỉ có thể âm thầm trợ giúp hai mẹ con. Nhưng giờ yên tâm rồi. Nhà bạn có hẳn một gian bỏ trống, hai mẹ con chui tọt vào, mọi sự rất thoải mái. Càng thoải mái hơn nữa khi con bảo khai giảng lớp 6, con không có gì để lo lắng. Vì đã hẹn đi tựu trường cùng các bạn. “Chưa chính thức trở thành học sinh của trường nhưng con đã thấy thân thuộc rồi” – con trai tự tin nói làm mẹ cũng vui lây.
Vậy nhưng đêm trước ngày khai giảng đó vẫn có những bồi hồi. Không lo lắng cho con thì mẹ lại bâng khuâng những cảm xúc riêng, để rồi lại khó ngủ – chỉ vì hồi hộp nao nức như một đứa trẻ. Bản tính mẹ là vậy. Luôn luôn là vậy. Ngày khai trường lúc nhỏ và cả khi đã là một giáo viên, với mẹ nó vẫn là một ngày trọng đại.
*
Con mãn lớp 6, tôi lại chuyển nhà.
Lần này hoàn toàn tự nguyện, xê dịch theo tiếng gọi con tim – như nãy đã kể. Nhưng lần chuyển nhà mang tính chất cuối cùng này, tôi phải xin ý kiến con trai. Con chịu mẹ mới đồng ý “theo chàng về dinh”. Với tôi, con lúc nào cũng vẫn là ưu tiên một. Phần mẹ thì quá hạnh phúc rồi, vì được về cùng mái nhà với tình yêu vĩ đại trong sự chúc phúc của các con và họ hàng hai bên. Chỉ lo con có nhiều bỡ ngỡ. Nhưng thật may, từ khi anh đến, con trai rất vui, tíu tít hỏi chừng nào bác với mẹ làm đám cưới nên khi mẹ hỏi, con liền đồng ý.
Lại về chỗ mới, nhưng lần này tôi không nghĩ con có điều lo lắng về ngôi trường mới. Vì hai lần dịch chuyển trước, dù ban đầu có chút ít khó khăn nhưng với bản tính dạn dĩ và nỗ lực đồng hành của mẹ thì con đã thích nghi rất tốt.
Nhưng mọi sự đã không như tôi nghĩ. Thật đáng trách, xin lỗi vì mẹ đã để con âm thầm lo lắng.
– Mẹ ơi, khai giảng ở trường mới giữa thành phố, con vừa hồi hộp vừa lo sợ.
Tôi hơi mất bình tĩnh trước nỗi lo chính đáng của con. Hóa ra, mạnh mẽ, giỏi thích nghi đến đâu thì con vẫn là một đứa trẻ tuổi ăn tuổi ngủ. Tôi đã yếu lòng nhưng trước con, vẫn mạnh mẽ nói:
– Đừng qua lo lắng con trai. Hồi hộp một chút thì được nhưng đừng lo sợ. Vì chẳng có gì để sợ cả. Cũng như hai năm học trước, khai giảng xong con đều nói với mẹ khai giảng gặp thầy cô, bạn bè mới thiệt là vui đó.
– Nhưng lần này khác. Trường ở phố cả ngàn học trò và các bạn ấy đều rất giỏi!
– Nên mẹ nghĩ lần này con phải vui hơn mới đúng. Các bạn cùng lớp giỏi giang sẽ là môi trường lí tưởng để con kết bạn, học hành. Và mẹ nghĩ với một chàng trai lớp 7 thì việc đến một ngôi trường mới cũng như được bước vào khám phá một thế giới mới, mà thế giới đó lại chính là thế giới của con, bạn bè con.
Nói với con dõng dạc và lí trí vậy chứ lén quay mặt khóc. Ba năm liên tục, mẹ thay chỗ ở và con cũng phải thay trường. Mỗi lần về nơi ở mới, học ở một ngôi trường mới, vừa kịp quen thầy, quen bạn thì chuyển chỗ, lại ngơ ngác với nơi ở mới và lo sợ khi đến một ngôi trường hoàn toàn mới. Mẹ xin lỗi con, mẹ thà lận đận một mình chứ không muốn con phải quay cuồng cùng mẹ. Nhưng con ơi, giờ mẹ tin mình đã tìm đúng một nửa của mình rồi, và mẹ càng tin ba sẽ yêu thương và có trách nhiệm với con như anh Hai (con riêng của chồng) vậy. Nên con hãy yên tâm, từ nay việc của con là đến trường học hành và kết bạn thôi, trước lạ sau quen, còn tất cả những thứ khác đã có ba mẹ lo rồi. Con biết không? Hạnh phúc lớn nhất của mẹ là đã tìm cho con được một người bố, người sẽ đồng hành cùng con trong những năm tháng tiếp theo… Nghĩ miên man rồi quay lại với con liền. Tôi cố vui vẻ nói để truyền động lực cho con:
– Mẹ sẽ lại bảo đảm với con là những lo lắng trước ngày tựu trường của một học trò là hoàn toàn vô lí. Vì mẹ biết, trường học nào cũng sẵn sàng mở cửa chào đón tất cả học trò (cũ và mới) bằng cái cách trang trọng và thân thiện nhất…
– Con biết chắc mẹ sẽ nói câu đó. Và con cũng biết chắc mẹ sẽ đúng! – con trai nói xong, hai mẹ con cùng cười và giơ tay lên, đập vào nhau nhất trí vui vẻ đợi ngày khai giảng…
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/bang-khuang-ngay-khai-truong-c082cde/