Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong những năm gần đây đã phát huy lợi thế so sánh của cây dâu, con tằm, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần canh tác các loại cây công nghiệp như chè, cà phê, tiêu, điều…
Công nghiệp chế biến tơ lụa Lâm Đồng đạt tỷ lệ 80% sản lượng cả nước |
• MỖI NĂM NUÔI 350.000 – 400.000 HỘP TẰM
Thống kê năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 16.000 hộ nông dân, 5 làng nghề, 45 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã trồng dâu, nuôi tằm với tổng diện tích khoảng 9.800 ha, sản lượng lá dâu ước đạt 247.000 tấn, tương ứng sản lượng kén 16.000 tấn, sản lượng sợi tơ các loại trên 2.000 tấn. Trong đó, tập trung sản xuất các nguồn giống cây dâu tằm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nuôi tằm của các vùng nông nghiệp trong tỉnh gồm: S7-CB, VA-201, TBL-03, TBL-05. Toàn tỉnh hiện có 4 tổ chức, cá nhân nhập khẩu trứng giống tằm lưỡng hệ từ Trung Quốc và khoảng 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung trên địa bàn huyện Lâm Hà và TP Bảo Lộc, cung ứng giống tằm con theo kế hoạch cho người chăn nuôi, bình quân khoảng 350.000 – 400.000 hộp/năm, tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả nghề trồng dâu, nuôi tằm, tính chung giai đoạn năm 2019-2023, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức đào tạo quy trình quản lý, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho 26 cán bộ phụ trách, quản lý ngành dâu tằm tơ của tỉnh và các địa phương; tổ chức 20 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho 800 lượt nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, lồng ghép từ kinh phí các chương trình, đề án, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức thêm 25 lớp tập huấn với 1.250 lượt nông dân tiếp cận quy trình trồng dâu, nuôi tằm, phòng trừ bệnh tuyến trùng gây hại dâu tằm; thực hiện 3 khảo nghiệm, mô hình xác định các loại thuốc có hiệu lực phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm tại Lâm Hà, Đạ Tẻh; xây dựng các mô hình trồng dâu, nuôi tằm với diện tích 10 ha dâu và hỗ trợ 500 hộp tằm lưỡng hệ trong toàn tỉnh.
“Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với người nông dân và được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, thực hiện tốt công tác phòng bệnh cho cây dâu, con tằm, lựa chọn các giống dâu, giống tằm phù hợp với điều kiện từng vùng, đổi mới phương pháp quản lý trồng dâu, nuôi tằm; hợp tác xã, doanh nghiệp tăng cường trong công tác quản lý chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng nhận định.
• TỔNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU ĐẠT KHOẢNG 180 TRIỆU USD
Toàn tỉnh hiện có khoảng 32 cơ sở với trên 100 dãy ươm tơ tự động, 400 mối/dãy, chất lượng tơ đã được nâng lên đáp ứng yêu cầu thị trường nội tỉnh và xuất khẩu. Công nghiệp dệt sản xuất trên 5 triệu mét lụa mộc/năm, năng lực may khoảng 200.000 sản phẩm/năm. Công nghiệp chế biến sản phẩm tơ, lụa hàng năm giải quyết trên 2.000 lao động, tương ứng 60 – 80 lao động/cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh phát triển 12 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tơ tằm, gồm 4 chuỗi cấp tỉnh và 8 chuỗi cấp huyện với hơn 630 hộ tham gia.
Sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, toàn tỉnh Lâm Đồng xuất khẩu sản lượng tơ Lâm Đồng trong năm qua đạt khoảng 1.800 tấn, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tơ, sợi dệt, vải các loại đạt khoảng 180 triệu USD. Tiêu biểu các doanh nghiệp thu mua sản xuất và xuất khẩu lụa tơ tằm của tỉnh gồm: Công ty Cổ phần Tơ lụa Bảo Lộc; Công ty Cổ phần Sản xuất, kinh doanh và Xuất nhập khẩu tơ tằm; Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Đầu tư Châu Á; Công ty TNHH Se tơ, dệt lụa Hà Bảo; Công ty TNHH Giang Ngọc… Thị trường xuất khẩu xơ sợi, tơ thô của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Bangladesh, Đài Loan. Hiện hơn 70% sản lượng ngành sợi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 55% kim ngạch. Thị trường xuất khẩu vải dệt từ tơ tằm hoặc phế liệu tơ tằm được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brunei…
Kết quả cả năm 2023, giá trị diện tích trồng dâu, nuôi tằm trong tỉnh Lâm Đồng bình quân khoảng 350 – 400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận thu được khoảng 50% doanh thu. Đây là tỷ lệ lợi nhuận khá cao so với vốn đầu tư ban đầu, quay vòng vốn nhanh, cao hơn gấp 2-3 lần so với trên cùng diện tích canh tác các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, chè, tiêu, điều. Nếu so sánh cả nước, diện tích dâu tằm Lâm Đồng hiện chiếm khoảng 70%, sản lượng tơ lụa trên 80%. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng “khuyến khích phát triển liên kết giữa hộ trồng dâu, nuôi tằm, doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và nhà máy ươm tơ, dệt lụa gắn phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo tính bền vững, gia tăng giá trị, hiệu quả trong chuỗi sản xuất…”.