Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, thời gian qua, công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được đặc biệt quan tâm, nhiều vướng mắc về sản xuất, kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… được tháo gỡ. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh: Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 TTHC liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục TTHC nội bộ.
Tại Lâm Đồng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác CCHC. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch, văn bản để triển khai thực hiện và đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra. Công tác cải cách thể chế, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện. Kịp thời công bố danh mục thủ tục hành chính và cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc rà soát, sắp xếp các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện thường xuyên. Công tác chuyển đổi số được quan tâm, triển khai đồng bộ, mạnh mẽ trên toàn tỉnh…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức về tầm quan trọng, sức lan tỏa và hiệu quả công tác CCHC của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Cải cách TTHC còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà; việc công bố, công khai còn chậm, chưa nghiêm; việc triển khai phương án đơn giản hóa TTHC còn rất chậm; việc đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, TTHC nội bộ chưa đạt yêu cầu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, chưa thuận lợi… Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức ở một số nơi còn mang tính cơ học, hiệu quả hoạt động chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; vẫn xảy ra tình trạng công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc hoặc gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khi giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiệm vụ đặt ra thời gian tới là đẩy mạnh triển khai một cách toàn diện, đồng bộ đối với 6 nội dung về CCHC (cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số); tăng cường nguồn lực cho cấp cơ sở để tạo đột phá cho công tác này. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của bộ, cơ quan, địa phương; trực tiếp chỉ đạo công tác CCHC, xây dựng thể chế, cải cách TTHC, nhất là các địa phương tăng cường đối thoại để trực tiếp nắm bắt và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung vào công tác quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra; cắt giảm tối đa các TTHC không cần thiết.
Đối với Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo CCHC các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC; thực hiện tốt công tác CCHC, cải cách TTHC và chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, đảm bảo thực chất, hiệu quả, vì lợi ích chung. Tổ chức quán triệt, phổ biến đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nắm vững, nhận thức đầy đủ các nội dung CCHC. Rà soát tổng thể kết quả thực hiện công tác CCHC và kết quả đánh giá chỉ số CCHC đối với cơ quan, đơn vị, địa phương mình để có biện pháp khắc phục kịp thời các hạn chế, tồn tại…