(LĐ online) – Ngày 18/12, UBND TP Đà Lạt phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ tổ chức hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Quang cảnh hội thảo |
TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Nhà báo Trần Xuân Toàn – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt chủ trì hội thảo.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Cục Hợp tác Quốc tế – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành, TP Đà Lạt, cùng 150 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nghề sĩ nhà sáng tạo trong và ngoài nước.
TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội thảo |
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt nhấn mạnh: Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái phong phó, tính đa dạng sinh học cao, Đà Lạt 135 tuổi đã mang trong mình nhiều công trình văn hóa lịch sử, kiến trúc độc đáo, phong cách ứng xử hiền hòa, thanh lịch, mến khách được kết tinh nét đẹp văn hóa nhiều vùng miền trong cả nước hội tụ về đây.
Ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt phát biểu khai mạc |
Đà Lạt là thành phố Festival Hoa duy nhất của Việt Nam, là trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, đang trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản. Năm 2024, Đà Lạt đón 7,9 triệu lượt khách, tăng 21% so với 2023, khách quốc tế đạt 540 ngàn lượt. Thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm 69,12% cơ cấu kinh tế của thành phố.
Các chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo |
Đà Lạt 2 lần được công nhận là Thành phố du lịch sạch ASEAN, được đánh giá là không gian đặc biệt thuận lợi cho bảo tồn các giá trị văn hóa; là cái nôi gieo mầm các giá trị sáng tạo nghệ thuật đương đại, điểm hẹn âm nhạc đầy hấp dẫn.
Đại biểu sở, ngành, TP Đà Lạt dự hội thảo |
Phát triển công nghiệp văn hóa giúp tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm nhiều việc làm mới, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Phát triển du lịch xanh giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo, phát huy di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nhà báo Trần Xuân Toàn – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ có nhiều hiến kế hay |
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham luận của 30 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực du lịch, kinh tế, văn hóa, lịch sử, môi trường, kiến trúc ở các trường đại học, viện nghiên cứu, các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà thực hành sáng tạo trong vào ngoài tỉnh và hơn 20 hiến kế của những người yêu mến Đà Lạt.
Tại hội thảo 4 bài tham luận đã được trình bày, 2 ý kiến đóng góp, 5 diễn giả thảo luận về du lịch xanh, 4 diễn giả thảo luận về công nghiệp văn hóa. Tất cả đều xoay quanh 4 vấn đề lớn gồm: Những giải pháp để pháp triển du lịch xanh; Thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa; Làm gì để phát triển tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học; Làm gì để phát huy giá trị văn hóa bản địa vànhững vấn đề đặt ra.
Bà Phạm Thị Thanh Hường – Văn phòng UNESCO tại Việt Nam góp nhiều ý kiến vận hành và phát triển Thành phố sáng tạo âm nhạc |
Các diễn giả, các bài tham luận đã chia sẻ rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm, đã đưa ra nhiều ý kiến, ý tưởng toàn diện, cung cấp một khối lượng tri thức, trao đổi thông tin rất lớn bằng cả tình yêu với Đà Lạt. Với các góc nhìn đa chiều, hướng tiếp cận đa ngành, các tư liệu, luận cứ khoa học đã được thảo luận, phân tích cởi mở góp phần làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của tài nguyên thiên nhiên, tính đa dạng sinh học, văn hóa địa phương; đưa ra nhiều sáng kiến, định hướng, giải pháp phù hợp với đặc thù của Đà Lạt.
Thảo luận nhóm đã góp nhiều ý kiến thiết thực |
Hội thảo đã đi sâu vào trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương gắn với công nghiệp văn hóa, phát triển các sản phẩm âm nhạc dựa trên thế mạnh danh hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO. Qua đó hướng đến các mục tiêu: Xây dựng Đà Lạt trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh; Phát triển bền vững thông qua phát triển du lịch dịch vụ kết hợp hài hòa với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch dịch vụ hiện đại, đô thị thông minh, là trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng. Nỗ lực không ngừng thực hiện các cam kết Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO lộ trình đến năm 2027, góp phần phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa địa phương.
ThS. Vũ Nhật Tân – Giảng viên chuyên ngành Công nghiệp văn hóa – Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh nêu nhiều ý tưởng hay cho Đà Lạt |
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các đại biểu, các diễn giả đều đánh giá rất cao về tiềm năng thiên nhiên, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, phát triển du lịch xanh TP Đà Lạt; đồng thời đã đi sâu vào các vấn đề về chia sẻ, cách thức thực hiện, thu hút đầu tư, những cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa.
TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm các gian hàng giới thiệu nông sản bên lề hội thảo |
Trong thời gian tới, có nhiều cơ hội cho công nghiệp văn hóa và du lịch xanh của Đà Lạt phát triển. Tỉnh đang quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc về chủ trương, chính sách, đặc biệt về du lịch canh nông, Lâm Đồng là tỉnh tiên phong phát triển du lịch canh nông với 3 khu du lịch mang đẳng cấp quốc tế, nhưng trước đây vướng về Luật đất đai, Luật xây dựng, đã được tháo gỡ. Hiện nay, du lịch xanh là xu hướng toàn cầu, trong đó có Việt Nam đang phát triển hướng tới.
Công nghiệp văn hóa ngày càng cần tầm nhận thức cao hơn đến du khách, đến phát triển thu hút đầu tư, trong khi đó Đà Lạt sở hữu những tiềm năng rất tốt về văn hóa. Thành quả ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho việc phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa. Tương lai gần, Lâm Đồng sẽ khởi công các đường cao tốc, sẽ rút ngắn được thời gian du khách đến với Đà Lạt.
Tiếp tục phát huy những thế mạnh, khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới, Đà Lạt cần có chính sách thực tế của Đà Lạt để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa; tập trung phát triển nguồn lực để vừa thu hút tư nhân, vừa cán bộ quản lý để đủ cách điều kiện làm dịch vụ, cùng phối hợp, hợp tác công – tư để phát triển.
Đại biểu tham quan không gian giới thiệu đặc sản Đà Lạt bên lề hội thảo |
Ứng dụng các thành quả khoa học, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để dữ liệu hóa các thông tin cung cấp cho du khách dữ liệu về du lịch, dùng thực tế ảo, số hóa trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Tăng cường hợp tác quốc tế để định vị Đà Lạt cao hơn, yêu cầu cao hơn và ở vị trí cao hơn: xây dựng mô hình kiểu mẫu về du lịch sạch, du lịch xanh; xây dựng Đà Lạt thành trung tâm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có di sản kiến trúc, phong cách con người Đà Lạt.
Tặng cây hoa Đà Lạt cho các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học |
Công nghiệp văn hóa có 12 lĩnh vực thì Đà Lạt có thuận lợi về các lĩnh vực: kiến trúc, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, điện ảnh. Trong đó giá trị cốt lõi để phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa của Đà Lạt là tiềm năng thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương. Xây dựng TP Đà Lạt trở thành mô hình đặc trưng Thành phố sáng tạo về âm nhạc của UNESCO. Xây dựng Đà Lạt thành thành phố sự kiện, lễ hội tầm quốc gia và quốc tế; cùng với Festival Hoa 2 năm 1 lần, Đà Lạt có thể tổ chức nhiều sự kiện tùy theo điều kiện có thể tổ chức hàng tháng, hàng quý như các sự kiện âm nhạc, các cuộc thi, các sự kiện điện ảnh có quy mô lớn.
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202412/phat-trien-du-lich-xanh-va-cong-nghiep-van-hoa-tu-tai-nguyen-thien-nhien-va-ban-sac-van-hoa-2d52665/