15 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng và mẫu mã hàng Việt Nam, đáp ứng lợi ích và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Phần lớn sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử https://nongsandalatlamdong.vn/. |
Từ huyện Đạ Tẻh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau 15 năm các cấp, ngành có quy định về chi tiêu công trong mua sắm tiện nghi, máy móc phục vụ công tác, trong đó ưu tiên hàng Việt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng trong huyện này cũng đã tăng cường biện pháp phòng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Về phía doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện Đạ Tẻh chú trọng đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh tiêu dùng. Theo đó, qua hoạt động phối hợp, huyện Đạ Tẻh tổ chức 6 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với 176 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 26.500 lượt người tham quan và mua sắm. Mặt khác, huyện Đạ Tẻh cũng đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt gần 3 tỷ đồng đối với 948 cơ sở sản xuất, kinh doanh không gắn tem nhãn trên cây trồng, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, vi phạm điều kiện kinh doanh, không niêm yết giá bán hàng hoá, kinh doanh hàng hoá không phù hợp với quy chuẩn tương ứng, nhãn hàng hóa bị mờ…
Bên cạnh huyện Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai cũng đã xác lập 2 nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Đạ Huoai”, “Mây tre đan Mađaguil” cùng 2 chỉ dẫn địa lý “Đạ Huoai” cho sản phẩm sầu riêng và hạt điều Đạ Huoai”. Tính chung đến nay, huyện Đạ Huoai đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” đối với 2 hợp tác xã và 1 cá nhân với diện tích 466,6 ha, tập trung 3 xã Hà Lâm, Phước Lộc, Mađaguôi và thị trấn Đạ M’ri, sản lượng năm 2024 đạt trên 7.000 tấn; cung cấp 191.441 tem dán quả sầu riêng… UBND huyện Đạ Huoai thông tin thêm: “Trong 15 năm qua, huyện Đạ Huoai phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch, Sở Công thương Lâm Đồng và các doanh nghiệp tổ chức 14 đợt bán hàng lưu động, khuyến mãi tại các xã, thị trấn, thu hút đông đảo khách hàng mua sắm. Trong đó có năm, huyện Đạ Huoai tổ chức 30 doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam về nông thôn giới thiệu hơn 14.000 lượt người, doanh thu đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Huyện Đạ Huoai hiện có 1 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” tại Công ty TNHH Đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Lâm Viên, đề xuất các điểm mới giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương…”.
Nhìn rộng ra từ 2 huyện vùng xa Đạ Tẻh và Đạ Huoai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết “đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tập huấn cấp chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực quản lý. Đồng thời, còn tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần vào công tác kiểm soát thị trường, giúp cho doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam đạt các tiêu chuẩn quy định, nắm bắt nhiều cơ hội tiếp cận thị trường trong nước…”. Kết quả 100% sản phẩm nông sản OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác giới thiệu, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; quảng bá sản phẩm tiêu biểu của 541 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản lên trang https://nongsandalatlamdong.vn/; hàng tuần cập nhật thông tin giá cả thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn trong tỉnh và các TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk; triển khai Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trực tuyến trên website: www.tuhaohangvietnam.vn…
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 15 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động công chức, viên chức và người lao động tạo thói quen sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Đồng thời phối hợp các sở, ban, ngành chức năng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức hội chợ thương mại, thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, huyện đảo gắn với hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tổ chức đợt khuyến mãi, giảm giá thành sản phẩm để kích cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn…
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202411/15-nam-cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-3f32a9c/