Một nông hộ hướng tới canh tác hữu cơ, đã thực hiện rửa vườn, chuyển đổi phương pháp sản xuất. Từ canh tác với chất bảo vệ thực vật truyền thống, người nông dân đã định hướng nuôi thiên địch để canh tác nông nghiệp hữu cơ.
Bà Tố Nga thả thiên địch diệt bọ trĩ |
Bà Huỳnh Thị Tố Nga, nông dân vùng sâu thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đang là một trong những người thực hiện mô hình canh tác ớt hữu cơ. Bà Tố Nga chia sẻ, trước đây, bà cũng làm nhà kính và trồng ớt bình thường như các nông hộ khác. Tuy nhiên, sau bốn năm liên tục trồng ớt, đất và không khí trong nhà kính đều xuất hiện dấu hiệu ô nhiễm. Bà Nga kể lại: “Mới trồng vụ đầu thì cây khỏe, trái sai. Những vụ ở phía sau, cây còi cọc dần, xuất hiện nhiều sâu bệnh hại. Phun thuốc theo hướng dẫn nhưng kết quả không đáng kể, chi phí lại tăng khá nhiều, vườn của gia đình tôi thu hoạch năng suất thấp hẳn. Vì vậy, tôi nghĩ tới việc chuyển mô hình canh tác, từ trồng ớt thâm canh truyền thống sang trồng theo nông nghiệp hữu cơ”.
Và bà Huỳnh Thị Tố Nga đã tiếp cận mô hình nông nghiệp mới nhất theo sự hướng dẫn của các kỹ sư Công ty Dalat Hasfarm: nuôi thiên địch thay cho sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bà kể lại, với những vườn vừa làm mới để trồng, việc nuôi thiên địch rất dễ do môi trường trong vườn hoàn toàn cân bằng. Tuy nhiên, với vườn ớt đã canh tác truyền thống từ lâu như gia đình bà, môi trường trong nhà kính cũng như trong đất đã thay đổi khá nhiều, hệ vi sinh vật trong đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tồn dư các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây mất cân bằng. Vì vậy, các kỹ sư của Công ty Dalat Hasfarm đã hướng dẫn bà cách xử lý khá triệt để: rửa vườn.
“Rửa vườn theo đúng nghĩa đen, nghĩa là tôi gỡ hết mái của nhà kính, không canh tác, để nắng, mưa, sương gió tự do trên mảnh vườn. Các kỹ sư của công ty cho biết, để đất tự nhiên là cách rửa vườn tốt nhất, cân bằng lại môi trường sinh thái. Tôi gỡ nhà kính trong 6 tháng, để môi trường trở lại cân bằng, sau đó mới làm lại mái và bắt đầu thả thiên địch”, bà cho biết. Sau khi rửa vườn, bà Nga bắt đầu thay đổi hoàn toàn quy trình canh tác, chuyển sang trồng ớt trên giá thể, sử dụng hệ thống tưới nước hoàn toàn tự động. Ớt được trồng trong các bịch giá thể, chạy sẵn đường dây nước cũng như đường dây châm phân. Đồng thời, bà Tố Nga thả bốn loại thiên địch, những loại đã được Công ty Dalat Hasfarm nghiên cứu để diệt sâu xanh, bọ trĩ… Bên cạnh đó, bà được khuyến cáo lắp các bẫy diệt côn trùng di động, có thể giảm rất nhiều loại côn trùng gây hại trong vườn. Với nấm, bệnh khá đặc thù của cây ớt chuông, bà Nga sử dụng đèn lưu huỳnh trị nấm. Những chiếc đèn lưu huỳnh được đặt sẵn chế độ làm việc, chỉ tự bật vào thời điểm 12 – 1 giờ sáng rồi tự tắt, xông hơi toàn vườn, đảm bảo những cây ớt chuông không bị nhiễm nấm…
Ngoài thả thiên địch, đèn bắt bướm cũng như đèn lưu huỳnh trị nấm, bẫy diệt côn trùng, bà Nga còn nâng cao đề kháng cho cây ớt bằng một loại dung dịch đặc biệt. Men EM được ủ với rỉ mật, phun lên lá giúp cây khỏe, cứng cành, xanh lá. Đây là một loại men hoàn toàn tự nhiên, hoà hợp với thiên địch và rất tốt cho môi trường.
Bà Huỳnh Thị Tố Nga đánh giá, sau khi rửa vườn, thả thiên địch, chi phí sản xuất cho vườn ớt giảm khá nhiều. Nếu quản lý vườn tốt, thực hiện các biện pháp quản lý sâu bệnh tốt, bà chỉ cần thả một lần thiên địch với chi phí 15 triệu đồng. Những loài thiên địch sẽ tự sinh sản, đẻ ra lứa sau và hoạt động tích cực, không cần thả nhiều lần đã đủ lượng thiên địch để diệt trừ côn trùng gây hại. Nếu có sự cố xảy ra, lượng thiên địch giảm, vườn có thể thả thêm từ một tới hai lần. Tuy nhiên, chi phí trả cho các con thiên địch không vượt quá 60 triệu đồng/sào/vụ ớt. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phải bơm tưới hàng tuần và chi phí lên tới 80 triệu đồng/vụ. Thay đổi lớn nhất, theo bà Nga là thiên địch mang lại môi trường rất sạch, cây tốt, không khí trong nhà kính nhẹ nhàng. Sức khỏe của người nông dân và sức khỏe của người tiêu dùng đều được đảm bảo với những trái ớt to, sạch, bóng.
Bà Trần Thị Khánh Hoà – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đánh giá, mô hình trồng ớt chuông trong nhà kính sử dụng thiên địch của bà Huỳnh Thị Tố Nga là mô hình tiên phong nông nghiệp hữu cơ trong xã. Bà Nga đã canh tác ớt sạch, cung cấp hợp đồng với các đầu mối cung ứng rau sạch trên thị trường. Việc sử dụng thiên địch của bà Nga đã mở ra một hướng sản xuất mới cho người nông dân, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người trồng trọt cũng như giữ gìn môi trường canh tác cho đất, nâng cao năng suất, chất lượng cho nông sản.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202411/rua-vuon-nuoi-thien-dich-d9723a8/