Với lợi thế về môi trường đầu tư thông thoáng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh tế – xã hội phát triển bền vững gắn với nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có và nguồn nhân lực dồi dào, huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương của tỉnh Lâm Đồng có những cơ hội lớn để thu hút đầu tư. Hiện nay, Bảo Lâm đang xây dựng thêm các chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược.
Hàng năm, Công ty Nguyên Phúc Nông liên kết, bao tiêu sản phẩm cà phê cho người dân huyện Bảo Lâm đạt tổng sản lượng liên kết 11.379 tấn/năm |
• NHỮNG KẾT QUẢ ẤN TƯỢNG
Huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương có diện tích tự nhiên rộng lớn của tỉnh Lâm Đồng với 146.351 ha, có 14 xã, thị trấn và dân số hơn 122.100 người, gồm 31 dân tộc anh em sinh sống tương trợ lẫn nhau. Chặng đường 30 năm thành lập và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bảo Lâm đã chung sức, đồng lòng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và đã xây dựng nơi đây thành vùng đất giàu đẹp, trù phú, đầy sức sống.
Những kết quả đạt trong phát triển kinh tế – xã hội của Bảo Lâm có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, Bảo Lâm có nhiều điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi; nguồn tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào để thu hút đầu tư ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch – dịch vụ.
Hiện nay, Bảo Lâm là một trong những địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất của tỉnh, với hơn 36.000 ha cho năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, Bảo Lâm hiện có hơn 5.800 ha chè, trong đó có nhiều nông trường chè Ô long với hàng trăm ha. Ngoài ra, Bảo Lâm còn có nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, mắc ca, dâu tằm… Trong tổng thể của ngành Nông nghiệp, Bảo Lâm đang có hơn 16.000 ha cây trồng các loại sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn sinh học.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trương Hoài Minh, đến nay, trên địa bàn huyện có 18 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực hoạt động có hiệu quả trong 10 công ty, 7 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác gắn với các sản phẩm cà phê, chè, cây ăn trái và chăn nuôi. Điển hình như, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trà Ô long chất lượng cao giữa Công ty chè Hằng Sơn Điền với người dân xã Lộc Tân đạt tổng sản lượng sản phẩm liên kết hơn 10.220 tấn/năm. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng giữa Công ty Long Thủy (xã Lộc An) với 120 hộ dân đạt tổng sản lượng là 12.747 tấn/năm. Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cà phê giữa Công ty Nguyên Phúc Nông với 70 hộ dân đạt tổng sản lượng liên kết 11.379 tấn/năm. Ngoài ra, còn có các mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm cà phê giữa Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Minh (xã Lộc Ngãi); trà Ô long chất lượng cao giữa Công ty chè Tam Dương với người dân xã Lộc Quảng…
Với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Bảo Lâm cũng đã hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh đăng ký tài khoản bán hàng điện tử trên sàn thương mại điện tử OCOP247.vn. Đến nay, Bảo Lâm đã có 64 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 4 sao… đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.
Dự án Bô xít – Nhôm Lâm Đồng đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Bảo Lâm nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung |
• LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ ĐẦU TƯ
Hiện nay, toàn huyện có 482 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủy điện, nông, lâm, thủy sản, chế biến nông sản và du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, có 93 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 20.775 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 12.163,71 ha. Trong đó, có 71 dự án đang hoạt động, với vốn đầu tư trên 20.392 tỷ đồng; 16 dự án đang triển khai thực hiện các hạng mục, với vốn đầu tư là 383,51 tỷ đồng và 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Riêng ngành Công nghiệp có 48 doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thủy điện, khai thác khoáng sản… Nổi bật là ngành Công nghiệp khai thác khoáng sản với Dự án Bô xít – Nhôm Lâm Đồng do Công ty Nhôm Lâm Đồng vận hành khai thác, sản xuất, với công suất đạt trên 750.000 tấn alumin/năm. Đây là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về khai thác khoáng sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, tạo công ăn, việc làm ổn định cho một lượng lớn lao động tại địa phương.
Cùng với đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy điện như Công ty Thủy điện Đồng Nai, Thủy điện Đasiat, Thủy điện Đamboil – Đạ Tẻh, Thủy điện Đại Nga, Thủy điện Đam B’ri… Các nhà máy thủy điện đã cung cấp điện cho địa phương và hòa vào lưới điện quốc gia, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trên địa bàn huyện Bảo Lâm hiện có Cụm công nghiệp Lộc Thắng, với 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, với tỷ lệ lấp đầy đạt 61%. Bên cạnh đó, đã hình thành các điểm lẻ công nghiệp tập trung các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu như chế biến trà, cà phê… tại các xã, thị trấn góp phần tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp.
Cùng với công nghiệp, ngành Tiểu thủ công nghiệp phát triển khá mạnh với các sản phẩm đa dạng và phong phú tập trung chủ yếu là các ngành nghề sửa chữa cơ khí, xe gắn máy, gò hàn, điện tử, mộc gia dụng, dệt thổ cẩm… Đối với thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã có những bước phát triển tốt đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương; đồng thời, hình thành các loại hình du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa… gắn với các tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Theo đồng chí Nguyễn Viết Vân – Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ổn định sản xuất, kinh doanh; đồng thời, có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Với những bước phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện; đồng thời, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Hiện nay, huyện Bảo Lâm đang tập trung kêu gọi thu hút đầu tư nhiều dự án gắn với các tiềm năng, thế mạnh, như: Xây dựng các khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hồ Lộc Thắng (300 ha), hồ Tân Rai (145 ha), hồ Đắk Long Thượng (500 ha), hồ Đắk Lé (quy mô 300 ha); Khu du lịch kết hợp phát triển dược liệu Tà Đùng – Bảo Lâm (5.000 ha) và Dự án phức hợp Sân golf – khách sạn – thương mại – biệt thự nghỉ dưỡng ở khu đất hoàn nguyên bô xít, với quy mô 300 ha… Ngoài ra, Bảo Lâm còn kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm du lịch đã được hình thành tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Hiện nay, một số công ty, tập đoàn đã nộp hồ sơ đề xuất đầu tư tới UBND tỉnh Lâm Đồng về các dự án xây dựng tổ hợp Nhà máy tuyển Bô xít, chế biến alumin và điện phân nhôm; Khu du lịch kết hợp phát triển dược liệu Tà Đùng – Bảo Lâm và Dự án phức hợp Sân golf – khách sạn – thương mại – biệt thự nghỉ dưỡng.
Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Nguyễn Viết Vân, cho biết: “Với quyết tâm chính trị cao nhất, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã và đang tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tập trung kêu gọi đầu tư. Qua đó, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, biến ngành Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương; đồng thời, kêu gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm chủ lực. Vì vậy, địa phương rất cần sự góp ý, chia sẻ, đồng hành “hiến kế” của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để huyện có chiến lược nâng cao chất lượng thu hút đầu tư góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Bảo Lâm nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung”.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202411/huong-toi-ky-niem-30-nam-ngay-thanh-lap-huyen-bao-lam-nhieu-dieu-kien-thuan-loi-de-bao-lam-thu-hut-dau-tu-8c813e6/