Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Lâm Đồng đã triển khai hiệu quả nhiều dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho người dân. Tuy nhiên, những thách thức về cơ chế, nguồn vốn đối ứng và sự phối hợp giữa các cấp đang đòi hỏi giải pháp linh hoạt để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực sự thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hộ đồng bào DTTS tự tin chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất |
• KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) – đơn vị được giao triển khai nguồn vốn Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1, dự án 3) thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững – từ đầu năm 2024, tỉnh đã phân bổ hơn 15 tỷ đồng để hỗ trợ cho các huyện, thành trên toàn tỉnh trong việc triển khai các mô hình thâm canh cây lúa, cà phê, dâu tằm và chăn nuôi bò, heo, gà sinh sản, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho bà con nông dân.
Các địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao như: Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm nhận được nguồn hỗ trợ đáng kể, từ 1,3 đến 1,8 tỷ đồng mỗi huyện. Nguồn kinh phí này được cân đối và giải ngân kịp thời, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng và đúng mục đích.
Đơn cử, tại huyện Đam Rông, năm 2024, địa phương được phân bổ hơn 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ người dân đầu tư, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững còn được huyện đầu tư vào 4 xã vùng khó gồm: Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông và Liêng S’rônh, để triển khai thực hiện các dự án đa dạng sinh kế, hỗ trợ việc làm và phát triển sản xuất.
Nhờ nguồn lực hỗ trợ thiết thực, kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 44,94 triệu đồng (tăng 12,5% so với năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, hộ nghèo DTTS giảm từ 5,58% xuống còn 3,24%.
• THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song, chương trình vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là sự chồng chéo trong các quy định về hỗ trợ kinh phí. Theo Nghị định 38/2023/NĐ-CP, mức hỗ trợ không được vượt quá 60% tổng chi phí thực hiện dự án, trong khi theo Nghị quyết 163/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lâm Đồng, mức chi hỗ trợ lại lên tới 70%. Sự không đồng nhất trong các quy định này đã khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu đối ứng tài chính.
Ngoài ra, theo Sở NN&PTNT tỉnh, việc yêu cầu đóng góp 30-40% chi phí đối ứng từ người dân, cả bằng tiền mặt và hiện vật, đã tạo ra áp lực lớn đối với các hộ nghèo. Phần lớn các hộ không có đủ khả năng đối ứng, dẫn đến việc nhiều hộ dân dù có đủ điều kiện nhưng lại không muốn nhận hỗ trợ. Điều này đã gây khó khăn trong việc phê duyệt dự án thực hiện giải ngân nguồn vốn được giao.
Thêm vào đó, việc đối ứng kinh phí của các hộ dân bằng hiện vật như máy phun thuốc, máy cắt cỏ, chuồng trại, diện tích trồng cỏ… không xác định được giá trị của vật tư đối ứng để thực hiện trong dự án, khiến việc triển khai thực hiện ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Trước những thách thức trên, Sở NN&PTNT tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1, dự án 3) thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Trước hết, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chính quyền và Mặt trận Tổ quốc được tăng cường. Việc điều tra, rà soát hộ nghèo cũng được thực hiện một cách công bằng, công khai, minh bạch; kết quả vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo được kiểm tra, theo dõi thường xuyên.
Theo Sở NN&PTNT, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cộng đồng, tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để đầu tư vào các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh. Điều này sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống.
Bên cạnh đó, việc đào tạo và nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh cho người dân cũng được coi là yếu tố then chốt. Đặc biệt, các chương trình đào tạo nghề ưu tiên cho thanh niên nghèo, đồng bào DTTS sẽ giúp tạo thêm việc làm ổn định, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo.
Nhìn chung, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào DTTS của tỉnh đã có những bước tiến quan trọng. Lâm Đồng đang từng bước hoàn thiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS, song hành với những khó khăn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và sự đồng lòng của người dân. Chính sách đúng đắn và linh hoạt sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202411/de-nang-cao-thu-nhap-cho-dong-bao-dtts-4f63060/