Trên cơ sở những tiềm năng có sẵn phục vụ khai thác và phát triển du lịch, Bảo Lâm đặt ra mục tiêu biến những tiềm năng này trở thành lợi thế phát triển du lịch, gắn với phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.
Tiềm năng về phát triển du lịch của Bảo Lâm rất lớn |
Thời gian qua, tại địa bàn huyện Bảo Lâm đã hình thành các điểm du lịch ấn tượng, thu hút nhiều du khách đến check-in như Linh Quy Pháp Ấn, thác Tà Ngào, chùa Di Đà, đồi trà Tâm Châu, không gian văn hóa truyền thống của người Mạ ở xã Lộc Tân, làng chè Tây Nguyên, Gia Đại Việt, Ô la la, làng Ôm… Bên cạnh đó, số lượng cơ sở lưu trú du lịch và homestay ở Bảo Lâm cũng tăng đáng kể, từ 21 cơ sở lưu trú du lịch năm 2022 tăng lên 41 cơ sở lưu trú du lịch năm 2024 (tăng 14 cơ sở), gồm 5 homestay, 2 khách sạn và 34 nhà nghỉ, với 436 phòng (tăng 106 phòng so năm 2022). Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, qua thống kê, công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch hiện đạt trên 55%, số ngày lưu trú của du khách bình quân đạt 0,5-1 ngày, mức chi tiêu của du khách quốc tế ở mức 0,8 triệu đồng/ngày và mức chi tiêu của du khách nội địa ở mức 0,5 triệu đồng/ngày. Thời gian qua, Bảo Lâm cũng đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, với 30 sản phẩm OCOP để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương đến du khách khi tới Bảo Lâm du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ là một kênh quảng bá các sản phẩm OCOP đầy tiềm năng, còn là một kênh phân phối và tiêu thụ các sản phẩm OCOP rất hiệu quả.
Tại kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bảo Lâm giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, Bảo Lâm xác định rõ: mục tiêu từ nay đến năm 2030 địa phương thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư về du lịch – thương mại – dịch vụ, đồng thời xây dựng ít nhất 3 điểm du lịch và phát triển 5 loại hình du lịch nông nghiệp, gắn với khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số thành các sản phẩm du lịch cộng đồng. Tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch đạt 10-12%/năm, số lượng du khách tăng bình quân 11%/năm, doanh thu từ ngành Du lịch hàng năm tăng 12,5-13%/năm, số ngày lưu trú bình quân của du khách đạt 2,5 ngày. 3 loại hình du lịch Bảo Lâm sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới đó là du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa. Ở loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, Bảo Lâm kêu gọi các nhà đầu tư đến địa phương tìm hiểu, tiến hành đầu tư dự án phát triển khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng tại hồ Lộc Thắng và hồ Tân Rai (thị trấn Lộc Thắng), hồ Đắk Long Thượng và hồ Đắk Lé (xã Lộc Đức), dự án phức hợp sân golf – khách sạn – thương mại – nghỉ dưỡng tại khu hoàn nguyên bauxite. Ở loại hình du lịch nông nghiệp, ưu tiên của Bảo Lâm là xây dựng, hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp – nông thôn, gắn với cộng đồng như tham quan mô hình trồng trọt – sản xuất – thu hoạch – chế biến trà – cà phê và thưởng thức các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Ở loại hình du lịch văn hóa, Bảo Lâm tiến hành xây dựng, đầu tư điểm du lịch tâm linh tại Linh Quy Pháp Ấn và chùa Di Đà, bên cạnh đưa vào khai thác 2 mô hình bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tại xã Lộc Tân và xã B’Lá. Ngoài ra, Bảo Lâm sẽ nghiên cứu, xây dựng thí điểm đề án mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng, đồng thời xây dựng các tour kết nối với Bảo Lộc như mở tour Linh Quy Pháp Ấn – thác Tà Ngào – núi Sapung, tour chùa Di Đà – đồi trà Tâm Châu – hồ Ngọc, tour thăm mô hình nông nghiệp ở xã Lộc Quảng – làng chè Tây Nguyên, tour nghỉ dưỡng homestay và khám phá xã Lộc Ngãi – xã Lộc Đức… Theo Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Bảo Lâm, Bảo Lâm hiện có 6 danh mục kêu gọi đầu tư gồm Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hồ Lộc Thắng (quy mô 300 ha), Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hồ Tân Rai (quy mô 145 ha), Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hồ Tà Đùng (quy mô 5.000 ha), Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hồ Đắk Long Thượng (quy mô 1.450 ha), Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hồ Đắk Lé (quy mô 2.354 ha) và Dự án phức hợp sân golf – khách sạn – thương mại – biệt thự nghỉ dưỡng ở khu đất hoàn nguyên bauxite (quy mô 300 ha). Ngoài ra, Bảo Lâm còn kêu gọi đầu tư xây dựng 5 điểm du lịch bao gồm: Du lịch văn hóa Linh Quy Pháp Ấn (quy mô 25 ha), du lịch văn hóa chùa Di Đà (quy mô 5 ha), du lịch tham quan thác Tà Ngào (quy mô 50 ha), du lịch sinh thái núi Sapung (quy mô 100 ha) và du lịch tham quan làng chè Tây Nguyên (quy mô 11 ha), cũng như xây dựng 7 điểm du lịch nông nghiệp, phát triển 3 loại hình du lịch cộng đồng và xây mô hình làng du lịch cộng đồng tại xã Lộc Tân, hình thành các tour du lịch khám phá, trải nghiệm trên địa bàn huyện Bảo Lâm.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, Bảo Lâm đã và đang tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tập trung xúc tiến, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, biến ngành Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Nguồn: http://baolamdong.vn/du-lich/202411/huong-toi-ky-niem-30-nam-ngay-thanh-lap-huyen-bao-lam-bao-lam-bien-tiem-nang-ve-du-lich-thanh-loi-the-phat-trien-55925b8/