(LĐ online) – Bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào muốn tồn tại, phát triển cùng thời đại đều phải có hệ tư tưởng của riêng mình, hoặc lựa chọn hệ tư tưởng phù hợp với mình. Sự lựa chọn đúng đắn ấy, bắt nguồn từ thực tiễn đất nước, khát vọng thiết tha của Nhân dân; mặt khác, phải phù hợp với xu thế vận động tiến bộ tất yếu của nhân loại.
Việt Nam đầu thế kỷ XX đặt ra câu hỏi về vận mệnh dân tộc cấp thiết hơn bao giờ hết. Lịch sử thử thách tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội về vai trò lãnh đạo đất nước. Tất cả chỉ là sự im lặng trong bế tắc cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Từ khi có Đảng, Việt Nam đã giải quyết căn bản sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng khẳng định: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới một xã hội cộng sản” (1).
Sự lựa chọn mục tiêu tiến tới chủ nghĩa xã hội của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta là một tất yếu khách quan, hoàn toàn phù hợp với sự vận động phát triển của Việt Nam và xu hướng của thời đại. Quá trình hình thành và phát triển tư duy của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một thành tựu lý luận to lớn, là sản phẩm trí tuệ thiên tài của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đất nước, trên cơ sở trung thành và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, phủ nhận tính tất yếu khách quan của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh thực hiện những âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ hòng xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại.
Bởi vậy, đấu tranh với quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là hành động đúng đắn, phù hợp “ý Đảng, lòng dân” là đòi hỏi cấp bách của cách mạng Việt Nam, nhằm chống lại những âm mưu xuyên tạc, phủ nhận con đường chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, không ngừng củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Luận điệu “Đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm lịch sử” là luận điệu phản động về chính trị, sai lầm về khoa học vì nhiều lý do, trong đó có một số lý do cơ bản sau:
Một là, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là định hướng duy nhất, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thời đại và thực tiễn cách mạng nước ta
Nhận thức về chủ nghĩa xã hội không chỉ dừng lại ở mục tiêu mà cả tính quy luật, bản chất của chủ nghĩa xã hội, quy định toàn bộ sự vận động, phát triển của Việt Nam thông qua con đường, phương thức, bước đi và hệ giải pháp theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.
Bởi vậy, xét về logic biện chứng, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một tất yếu. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một điều mới mẻ, chưa có trong tiền lệ lịch sử nhân loại, nên quá trình nhận thức và tổ chức thực hiện trên thực tế sẽ hết sức khó khăn, thậm chí cả những bất trắc, thất bại tạm thời.
Do đó, phải có hệ thống lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường chúng ta mới có thể giành thắng lợi. Đặc biệt, việc khắc phục và ngăn ngừa những khuynh hướng tự phát, nhất là chủ nghĩa cơ hội và thực dụng là vấn đề vừa mang tầm chiến lược vừa có tính thời sự, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Dù thế giới thay đổi ra sao, bất chấp những ai đó muốn hay không, chủ nghĩa xã hội sau bao thăng trầm, thành bại, vẫn tồn tại và phát triển như một thực thể to lớn, không ai có thể phủ nhận, với hơn 1,5 tỷ người, tại các quốc gia theo thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa (2), chưa kể với hơn 560 triệu dân, đang trong cao trào đấu tranh hướng tới “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” của nhân dân lục địa châu Mỹ Latinh, nhằm giải quyết vấn đề dân tộc, dân quyền, dân sinh và tiến bộ xã hội…
Tất cả đó, vẫn là con đường phát triển hiện thực, lịch sử tất yếu của nhân loại, dù con đường còn nhiều gập gềnh, trắc trở và vô vàn thách thức, nhưng nó đã trở thành thực tế tất yếu từ hơn 100 năm trước, tiếp tục đang là của hiện tại và nhất định là sự lựa chọn sáng suốt của nhân loại trong tương lai.
Những năm bôn ba tìm đường cứu nước khắp năm châu, bốn biển, may mắn đã đến với Người và dân tộc Việt Nam. Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng giá trị nhân văn của xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết để tìm ra con đường đấu tranh giải phóng Nhân dân. Bởi vậy, muốn giành được độc lập cho dân tộc thì phải tiến hành con đường cách mạng vô sản và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Người đã để lại di sản vô cùng quý báu cho cách mạng Việt Nam. Đó là hệ thống quan điểm cơ bản về con đường, phương pháp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn chứng minh luận điệu chống phá của các thế lực thù địch hoàn toàn sai trái phải được gạt bỏ trong đời sống chính trị, xã hội.
Hai là, sự thay thế khách quan giữa các hình thái kinh tế – xã hội trong lịch sử
Tuân theo quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, khi quan hệ sản xuất lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất thì tất yếu bị lực lượng sản xuất mới phá vỡ nhằm thay thế quan hệ sản xuất phù hợp hơn.
Phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa ra đời tiến bộ hơn, tất yếu thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời, lạc hậu.
Học thuyết Mác – Lênin đã chỉ ra: “Các lực lượng sản xuất mới đã vượt quá hình thức tư sản của việc sử dụng chúng; và sự xung đột ấy giữa các lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất hoàn toàn không phải là sự xung đột sinh ra chỉ từ đầu óc người ta,… mà là có thật, khách quan, ở bên ngoài chúng ta, không phụ thuộc vào ý chí hoặc hành động của chính ngay những người đã tạo ra nó” (3).
Lý luận Mác – Lênin cũng chỉ ra hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa phải trải qua “một thời kỳ và hai giai đoạn”. Hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa không hình thành tự phát mà thông qua vận động của các quy luật về kinh tế, xã hội, con đường đấu tranh cách mạng để xây dựng xã hội mới.
Ba là, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trước chủ nghĩa tư bản
Sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể, trước những tác động khách quan, chủ quan của tình hình lúc bấy giờ. Sự hiện diện của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô chưa dài, nhưng đã thu được nhiều thành tựu to lớn trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, với sản lượng công nghiệp chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới.
Năm 1957, Liên Xô là quốc gia đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo. Năm 1961, phóng thành công tàu vũ trụ đưa nhà du hành Gagarin bay vòng quanh trái đất mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.
Hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa trong đó tiêu biểu là Trung Quốc, Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp đổi mới, cải cách đạt được những thành tựu quan trọng, vững chắc, được thế giới ngưỡng mộ. Chủ nghĩa xã hội tuy gặp phải khó khăn, khủng hoảng, song với những thành tựu ban đầu đã khẳng định tính chất ưu việt, tiến bộ hơn hẳn chủ nghĩa tư bản và tất yếu sẽ là tương lai của xã hội loài người.
Bốn là, Đảng ta là đạo đức, là văn minh, có đủ bản lĩnh lãnh đạo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Ra đời trong phong trào cách mạng của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể Nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đến những thành tựu trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao, là hình mẫu về ngoại giao được nhiều quốc gia ngưỡng mộ.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Qua mỗi kỳ Đại hội đều đánh dấu sự phát triển, hoàn thiện dần lý luận về chủ nghĩa xã hội và khẳng định sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione khẳng định: “Tôi cho rằng lộ trình phát triển của Việt Nam rất rộng. Dù có đại dịch Covid – 19 nhưng chưa bao giờ Việt Nam lại mạnh mẽ, sẵn sàng như vậy để hướng đến con đường phát triển tới đây” (4).
Hơn bất cứ một cuộc cách mạng nào khác trong lịch sử, chủ nghĩa xã hội muốn phát triển, tự nó phải đổi mới, cải cách và phải biết tự bảo vệ. Để đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, làm tốt công tác dự báo tình hình, chủ động khắc chế hiệu quả sự chống phá
Hiện nay, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã đi sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội toàn nhân loại, Việt Nam đứng trước các thời cơ và thách thức đan xen.
Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội mang nhiều bộ mặt mới, rất khó phân định rạch ròi chiến tuyến, thủ đoạn nham hiểm, hung bạo hơn, tham vọng bành trướng lớn hơn, mức độ thâm hiểm, xảo trá ở một đẳng cấp mới, còn có những kẻ “thân ở tại Thục, tâm gửi bên Tào”, “ngoài khoác áo đỏ nhưng trong thì mang lòng bạch vệ” trong đội ngũ của chúng ta…
Gần 35 năm qua, từ khi thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đến nay, các lực lượng chống đối, kẻ thù tư tưởng đã không từ một thủ đoạn nào để chống phá cách mạng nước ta, triệt tiêu những thành tựu mà Nhân dân ta thu hoạch được. Cùng với hàng núi sách, báo chống cộng sản, chúng tận dụng công nghệ thông tin quyết liệt chống phá (5) Việt Nam qua các con đường.
Một là, lợi dụng một số cá nhân cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống để thành lập các hội, nhóm “xã hội dân sự”, thông qua cái gọi là “diễn đàn dân chủ”, sử dụng các website và các trang mạng dưới danh nghĩa phản biện để phát tán thông tin xấu, độc.
Hai là, thông qua hình thức tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, nhân đạo, từ thiện… chúng len lỏi, luồn sâu tạo chỗ đứng, cổ súy, dọn đường cho các cuộc biểu tình, thúc đẩy bạo loạn.
Ba là, các đối tượng trong nước liên kết với thành phần phản động nước ngoài, các trang tin hải ngoại, trích dẫn các nguồn tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động chống phá. Cụ thể như: Các hãng truyền thông VOA, RFA, RFI, BBC…
Chúng ta phải không ngừng cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá toàn diện trên các mặt trận, đặc biệt là mặt trận lý luận, tư tưởng; đập tan âm mưu, hành động chống phá từ trong trứng nước, không để tạo thành phong trào lớn mạnh.
Các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, định hướng tư tưởng cho nhân dân kịp thời, giữ vững chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta trong đời sống xã hội.
Hai là, bảo vệ và vun đắp niềm tin củanNhân dân với Đảng
Niềm tin chính trị phải trên cơ sở khoa học chính trị nếu không sẽ thất bại, phải luôn củng cố, bồi đắp niềm tin chính trị trong Nhân dân, Đảng phải tự đổi mới, chỉnh đốn, tự làm cho bản thân luôn đúng đắn, phát triển, cách mạng… Nhân dân sẽ gửi trọn niềm tin vào Đảng.
Không ai có thể hủy hoại hay tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta, nếu chúng ta sai lầm mà gây ra sự chia rẽ, thì tất cả sẽ sụp đổ.
Con đường phát triển bền vững Việt Nam tầm nhìn chiến lược đến năm 2045 là con đường xã hội chủ nghĩa hiện thực Việt Nam. Đó là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là sự phát triển phù hợp của Việt Nam trong thời đại mới.
Bảo vệ và vun đắp lòng tin của Nhân dân với Đảng chính là sự tôn quý của đất nước, tài sản vô giá và to lớn của cách mạng Việt Nam, quốc gia hưng vong, thịnh suy do muôn dân định đoạt, mất niềm tin của Nhân dân là mất tất cả.
Ba là, bảo đảm thống nhất ba thành tố: Tư tưởng – lý luận – thực tiễn
Người xưa có câu: Tư tưởng không thông, mang bình tông không nổi. Đó là đặc tính cá nhân, còn về tổ chức, nhất là tổ chức lãnh đạo cách mạng, chịu trách nhiệm về vận mệnh quốc gia, dân tộc thì việc xác định hệ tư tưởng càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Đảng phải định ra đường lối chính trị, trung thành và không ngừng củng cố, phát triển nó ngày càng hoàn thiện. Đường lối chính trị tuy mang tầm nhìn chiến lược, tổng thể, lâu dài, nhưng được xem như cơ thể sống, phải không ngừng được bồi đắp, củng cố mà phát triển. Tư tưởng là linh hồn, mạch sống, xác định mục tiêu, phương hướng và chỉ đạo hành động; đồng thời, phải gắn bó chặt chẽ, thống nhất giữa tư tưởng với lý luận và thực tiễn.
Ở Việt Nam, bảo đảm sự thống nhất ba thành tố trên mang tính chỉnh thể; kết hợp tuyên truyền, cổ động với nghiêm cứu và tổng kết phát triển lý luận, nhằm tạo thống nhất về tư tưởng.
Hiện nay, một bước tiến của thực tiễn đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội có giá trị đặc biệt trong việc phát triển tư tưởng, lý luận, bảo vệ trực tiếp nền tảng tư tưởng. Thực tiễn đổi mới, phát triển và làm phong phú kho tàng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vì sự tự do của mỗi người và quyền dân tộc tự quyết, tránh xâm hại từ bên ngoài, ngay cả trên không gian mạng, chúng ta kiên định, thực thi dân chủ thực chất, bảo vệ tự do tư tưởng, lý luận, vì một Việt Nam hùng cường, phát triển, hòa bình và tiến bộ.
Gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được bạn bè quốc tế thừa nhận, đánh giá cao. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; đồng thời, tạo nên thời cơ mới cho cả dân tộc vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, bền vững và là mô hình xã hội lý tưởng để nhân loại tiến bộ, các quốc gia, dân tộc trên thế giới noi theo.
Với những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, một lần nữa khẳng định: Sự xuyên tạc và phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là vô căn cứ, chà đạp lên chân lý, yêu cầu chính đáng của lịch sử và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu, là giải phóng con người một cách triệt để nhất, là nền dân chủ thực chất, là sự phát triển lên tầm cao mới của nhân loại.
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG – Sự thật, Hà Nội, 2011.
2. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam Logic, đổi mới và phát triển, TS. Nhị Lê, Nxb, CTQG sự thật, Hà Nội, 2021.
3. Tạp chí QPTD, ngày 01/11/2021.
4. Trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet, ngày 12/6/2020.
5. Việt Nam là nước có số người dung internet và mạng xã hội thuộc tốp đầu thế giới, khoảng 64 triệu người, 436 mạng xã hội đang hoạt động (theo số liệu của cuốn sách Chủ nghĩa xã hội Việt Nam Logic, đổi mới và phát triển, TS. Nhị Lê, Nxb, CTQG sự thật, tr.408, Hà Nội, 2021.)
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202411/dau-tranh-chong-quan-diem-sai-trai-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-la-sai-lam-lich-su-3301aa1/