Tự tin thể hiện những điệu chiêng lễ nghi của dân tộc K’Ho, nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc (12 tuổi, xã Tà Nung, TP Đà Lạt) đã mang đến Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII – năm 2024 một luồng sinh khí mới. Âm thanh trong trẻo, cách chơi chiêng hồn nhiên, nghệ nhân nhí này hé mở cho mọi người thấy rằng, mạch nguồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang được tiếp nối ấn tượng bởi những người trẻ như mình.
Nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc |
Nhìn cách chơi chiêng chững chạc của nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc, ai cũng nghĩ để tạo ra được những âm thanh chuẩn chỉnh ấy, nghệ nhân nhí này phải mất một khoảng thời gian dài, ít nhất thời gian để học cách chơi và tập luyện cũng tính bằng năm. Thế nhưng, nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc cho biết, bản thân chỉ mất 6 tháng để học và luyện chơi chiêng. “Tôi bắt đầu học chơi chiêng từ tháng 5/2024, nghĩa là thời gian tôi đến với cồng chiêng được khoảng 6 tháng”, nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc bẽn lẽn nói.
Ngại giao tiếp với người lạ là vậy, nhưng khi thả mình trong không gian của Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII – năm 2024, nghệ nhân nhí này lại rất tự tin, điềm tĩnh “nhả” những thanh âm cồng chiêng tròn trịa, khiến người nghe thật sự kinh ngạc. Đây chính là lý do để nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc được xã Tà Nung chọn vào Đội nghệ nhân cồng chiêng xã Tà Nung, đại diện cho TP Đà Lạt tham gia Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII – năm 2024, vừa diễn ra tại huyện Bảo Lâm, từ ngày 24 đến ngày 25. Tại đây, nghệ nhân nhí này đã trình tấu những âm thanh cồng chiêng trong trẻo, vang và lan như tiếng lòng thơm thảo của những người con núi rừng Tây Nguyên thuần chất đang ngưỡng vọng trước các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Sự tràn đầy hứng khởi trong cách chơi chiêng của nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc là minh chứng rõ nhất cho lòng tự hào về di sản văn hóa Tây Nguyên của những chủ nhân tương lai của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Màn trình diễn cồng chiêng điêu luyện của nghệ nhân nhí này còn thể hiện sự nghiêm túc, tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó khơi dậy niềm đam mê diễn tấu công chiêng cho những người đồng trang lứa. Theo ông Vũ Uy, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, như đã thành thông lệ, mỗi lần tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng là một dịp được chứng kiến những nét mới, những điểm sáng trong phong cách trình diễn cồng chiêng. “Trước đây, người giữ nhịp trống trong diễn tấu cồng chiêng thường là người nam. Năm nay, người giữ nhịp trống trong diễn tấu cồng chiêng lại là người nữ đến từ Đoàn nghệ nhân cồng chiêng huyện Lạc Dương”, ông Vũ Uy chia sẻ. Tuổi đời còn rất trẻ và màn diễn tấu cồng chiêng điêu luyện của nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc cũng là một điểm sáng của Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII – năm 2024. Ông Hoàng Mạnh Tiến – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ, ngày hội là dịp để các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa nghệ thuật, cũng là dịp để tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đồng thời khích lệ nghệ nhân tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống đương đại.
Việc nghệ nhân nhí Liêng Hot Hoàng Phúc tham gia Ngày hội Văn hóa – Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII – năm 2024 không chỉ là điểm sáng thú vị, còn nhân lên niềm tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên.
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/tiep-noi-mach-nguon-cong-chieng-tay-nguyen-d042a51/