(LĐ online) – Ngày 26/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ sáu của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan phát triển kinh tế – xã hội; đầu tư công, giảm nghèo…
Quang cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV |
Quốc hội dành cả ngày làm việc thảo luận tại tổ về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)…
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển tham gia góp ý thảo luận về các điểm nghẽn gây khó khăn phát triển kinh tế – xã hội |
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Đoàn Lâm Đồng phát biểu về các điểm nghẽn, hạn chế như về thể chế: số lượng, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ở nhiệm kỳ này, đặc biệt là ở kỳ này rất nhiều, đáng mừng nhưng lo ngại chất lượng có đảm bảo không, nhiều dự án luật không được chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, nhiều luật thông qua tại 1 kỳ họp với nhiều chính sách, nội dung mới nhưng trình rất gấp.
Theo đại biểu, thủ tục hành chính là điểm nghẽn rất lớn đối với doanh nghiệp và người dân, thủ tục đầu tư mất 2 – 3 năm, thời gian dành cho thủ tục hành chính rất nhiều. Vấn đề then chốt là phải phân cấp, khi rà soát thì bộ ngành nào cũng có thẩm quyền cấp phép trong khi đó đầu tư là của địa phương. Nếu không làm được nguyên lý phân cấp cho địa phương thì sẽ là điểm nghẽn.
Về thị trường bất động sản, Quốc hội đã có báo cáo giám sát, thị trường bất động sản hoạt động bình thường thì nền kinh tế mới hoạt động bình thường, hiện nay bị ứ đọng, không khơi thông, hàng hóa mất cung – cầu, giá neo cao, tiền nằm ở ngân hàng không lưu thông được, cần tập trung tháo gỡ để hoạt động bình thường. Luật Đất đai đã được thông qua nhưng đến nay gần hết tháng 10, nhiều địa phương chưa ban hành bảng giá, Chính phủ chưa ban hành một số văn bản.
Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý thảo luận về bất cập trong quy hoạch, đầu tư công |
Tham gia góp ý về đầu tư công, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng cho rằng: Đầu tư công mang lại hiệu quả thiết thực cho các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, hiện nay có độ trễ về cơ chế, chính sách pháp luật, các tỉnh khó khăn tăng cường xin – cho, các tỉnh có điều tiết ngân sách thì xin cơ chế, chính sách.
Điểm nghẽn chưa được tháo gỡ về thị trường bất động sản, chẳng hạn như tại Lâm Đồng. Tây Nguyên đang triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị nhưng bị vướng Quy hoạch vùng mỏ khoáng sản nên bị tắc các công trình trọng điểm, người dân không xây, sửa nhà được, các công trình ngưng hết. Cần có lộ trình, giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này để khơi thông hoạt động, tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, đề nghị cần tháo gỡ về đầu tư PPP, không có nhà đầu tư, cơ quan tài chính nào bỏ tiền để chờ vài năm, mỗi lần thông qua dự án phải thông qua 9 bộ, rất khó khăn, kéo dài dự án.
Về giao thông, tuyến đường Trường Sơn Đông – con đường chiến lược quốc phòng nhưng từ năm 2006 đến nay vẫn loay hoay không nối được, cần xử lý dứt điểm. Dự án Đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài 766,79km. Riêng đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 52km, hiện đã hoàn thành 42km. Trong số 10km còn lại, đơn vị thi công đã thi công được 6,8km, chỉ còn 3,2km nhưng đã bị dừng thi công từ năm 2016 do chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.
Về Luật Lâm nghiệp và Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, đề nghị cân nhắc, tính toán lại mô hình kiểm lâm nhân dân trong tình hình mới, lực lượng này vất vả, khó khăn, địa bàn quản lý rộng, đối tượng “lâm tặc” manh động, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không được xem là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý thảo luận tại tổ |
Tham gia đóng góp về lĩnh vực xã hội, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng cho rằng, các chỉ tiêu xã hội có khoảng cách tương đối xa so với yêu cầu đặt ra (năm 2020 xếp thứ 49 so với thế giới, 2022 xếp thứ 55, 2023 xếp thứ 54) có sự suy giảm lớn. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tái nghèo cao, đời sống bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS còn khó khăn. Cần tiến hành đánh giá, rà soát kỹ các chỉ tiêu xã hội, môi trường… để đảm bảo bền vững.
Năm 2024 có cải cách tiền lương hiệu lực từ 1/7/2024, trợ cấp người có công tăng 38,9%. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước bố trí chi cho đối tượng này chưa được thực hiện, mặc dù sẽ được truy lĩnh nhưng có những chính sách khi chậm thực hiện sẽ ảnh hưởng, trong đó có chính sách chi chế độ điều dưỡng cho đối tượng người có công cách mạng.
Về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong các khâu thiết kế, sản xuất, đóng gói, xuất khẩu thì khâu sản xuất và đóng gói mang lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đưa mục tiêu đến năm 2050 có 3 nhà máy chế tạo chip có nguyên nhân là do chất lượng điện của chúng ta. Mặc dù Chính phủ quyết liệt chỉ đạo phát triển điện nhưng điện cho nhà máy bán dẫn khác với điện cho ngành khác bởi nếu điện không ổn định thì sẽ gây hỏng toàn bộ mẻ sản xuất. Với mục tiêu “phải có điện sạch, điện ổn định, điện chất lượng cao” cần ưu tiên chính sách phát triển điện hạt nhân, vì nguồn điện tái tạo từ gió, mặt trời tính ổn định không cao, phụ thuộc vào điện nền.Thế giới đang quay lại với điện hạt nhân. Mặc dù tỉ suất đầu tư ban đầu rất đắt nhưng tính chu kỳ hoạt động 80 năm thì không đắt, đây là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…
Đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn Lâm Đồng góp ý thảo luận tại tổ |
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 3 về tình hình kinh tế – xã hội sáng 26/10, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, trong đó có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn một số khó khăn, thách thức, đồng thời làm rõ các động lực tăng trưởng mới để khắc phục các điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển trong thời gian tới. 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8 – 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 – 6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng chỉ rõ, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa phản ánh đúng thực chất những khó khăn tiềm ẩn của nền kinh tế. “Số liệu là linh hồn của các nhận định, đánh giá. Nếu số liệu mà không chuẩn xác thì các nhận định, đánh giá sai và chiến lược sai. Cho nên đề nghị cần rà soát lại để bảo đảm tính chính xác của số liệu”. Năm 2024, hiện nay chủ yếu tập trung cho xuất khẩu, đầu tư công nhưng đầu tư công lại giải ngân chậm. Băn khoăn về tính hiệu quả của đầu tư công, một trong 3 động lực tăng trưởng hiện nay là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Xuất khẩu và đầu tư công có triển vọng nhưng quan trọng nhất là sức mua trong nước còn hạn chế. Câu hỏi đặt ra là sức mua của người tiêu dùng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước (7,8%). Và nhà đầu tư, người dân đã tìm đến kênh đầu tư an toàn là mua vàng dự trữ…
Hôm nay, ngày 28/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; sau đó, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề nêu trên.
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là chuyên đề giám sát khó; nội dung, phạm vi giám sát rộng do thị trường bất động sản và nhà ở xã hội liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương; trong thời kỳ giám sát đã có nhiều sự thay đổi về chính sách, pháp luật; phạm vi giám sát không chỉ bao gồm những dự án mới triển khai mà còn có nhiều dự án đã và đang được triển khai từ trước đó…
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202410/doan-dbqh-lam-dong-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-nhieu-noi-dung-quan-trong-bff0ae5/