Giá cacao toàn cầu tăng mạnh trong các tháng qua được lý giải chủ yếu do nguồn cung mặt hàng này từ châu Phi (khu vực cung cấp đến 75% sản lượng) giảm mạnh.
Giá tăng gấp 3, nhưng cung không đủ
Thông tin từ nhiều nông dân ở khu vực Tây Nguyên, giá cacao tươi bán xô (trừ trái sống, sâu thối) tại vườn hiện đạt phổ biến 11.500-13.000 đồng/kg tùy nơi, tăng gấp 2,5-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, giá hạt cacao khô lên men cũng đang lập đỉnh với hiện đạt 165.000-185.000 đồng/kg tùy loại, tăng gần gấp đôi so với mức phổ biến của năm ngoái.
Với giá bán hiện nay, nhiều nông dân cho biết có thể lãi 200-250 triệu đồng/ha cacao, mức lợi nhuận tốt.
Góc độ doanh nghiệp liên kết trồng và thu mua, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Trường Khanh, giám đốc Công ty TNHH Cacao Trọng Đức (Định Quán, Đồng Nai), cho biết hiện giá cacao tươi được đơn vị mua xô từ nông dân ở mức 12.500 đồng/kg, tăng 2,5-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và được xem là mức giá cao kỷ lục trong hàng chục năm nay.
Lý giải điều này, ông Khanh cho biết 75% nguồn cung ca cao thế giới đến từ châu Phi, nhưng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thêm tình hình chính trị khu vực này thiếu ổn định dẫn đến lượng cacao cung cấp ra sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày một tăng. Cung thiếu cầu đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh trên toàn cầu.
“Cacao được trồng nhiều ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông… Tuy nhiên, hiện có thời điểm hàng không đủ cung cấp cho sản xuất”, ông Khanh nói.
Doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo gặp khó
Nguồn cung giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, socola gặp khó.
Là đơn vị có thị phần bánh kẹo lớn tại Việt Nam, đại diện Công ty Orion Vina cho biết giá nguyên vật liệu, cacao leo thang ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất, đặc biệt những dòng bánh sử dụng nguyên liệu từ cacao như ChocoPie.
“Chúng tôi đang cố gắng gồng gánh để duy trì mức giá ổn định cho người tiêu dùng cho đến khi còn có thể”, vị này cho hay.
Trong khi đó, đại diện một tập đoàn chuyên cung cấp socola và cacao nguyên liệu tại Việt Nam cho biết hiện chuỗi sản xuất socola – ngành tiêu thụ tới 80-90% nguyên liệu ca cao toàn cầu đang gặp khó vì do giá cacao tăng gấp 2,5-3 lần năm ngoái. Riêng đơn vị, từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh tăng giá bán từ 15-30% cho các sản phẩm socola.
Dù đã và đang tính toán tăng giá bán sản phẩm có socola, bột cacao…, nhiều doanh nghiệp khẳng định việc tăng giá trên được tính toán kỹ để đảm bảo doanh số bán hàng, đặc biệt trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng đang chậm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 7-10, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho rằng việc tăng giá bán đối với những sản phẩm bánh kẹo cần cân nhắc, mức tăng nếu có nên nằm trong giới hạn và hài hòa để kích thích sức mua.
“Mức tiêu dùng bánh kẹo năm nay tương đối chậm, kể cả nhu cầu thời điểm cuối năm, Tết cũng được dự báo không như kỳ vọng, có thể giảm 10-20% so với mọi năm”.
Cơ hội cho ngành cacao Việt Nam
Theo nhiều doanh nghiệp, vì lượng thiếu hụt từ Châu Phi là quá lớn, hiện nhiều nhà sản xuất thế giới đang tìm đến Việt Nam để tăng lượng mua. Điều này làm tăng sự canh tranh cho thị trường, đây là cơ hội cho việc trồng và khai thác cacao trong nước, đặc biệt dòng sản phẩm này của Việt Nam đang được các nhà thu mua trên thế giới ưu chuộng vì hương vị độc đáo.
Năm 2022, Việt Nam có khoảng 3.400ha trồng cacao, cho sản lượng 5.300 tấn. Tuy nhiên, do diện tích giảm nhiều nên nguồn cung loại trái này năm nay ở mức thấp.