“Bén duyên” với thơ thiếu nhi chưa lâu nhưng tác giả Huỳnh Mai Liên đã tạo được dấu ấn của mình trong lòng độc giả, đặc biệt là độc giả nhí. Nhiều tác phẩm của chị được giảng dạy trong sách giáo khoa tiểu học được học sinh thuộc lòng, yêu thích. Tập thơ thứ 5 – Huỳnh Mai Liên viết về Hà Nội, mảnh đất chị chọn làm quê hương thứ hai, cũng là mảnh đất chị gửi gắm nhiều yêu thương.
Tác giả Huỳnh Mai Liên |
Chị bắt đầu làm thơ cho thiếu nhi từ khi nào? Cảm hứng sáng tạo có lẽ cũng như nhiều bà mẹ nhà văn, nhà thơ – thường bắt đầu từ con mình?
Tôi bắt đầu làm thơ từ năm 2016, bắt đầu từ một đơn “đặt hàng” của chương trình “Lớp học Cầu vồng”. Kênh truyền hình giáo dục – VTV7 khi đó đang xây dựng một chương trình dành cho lứa tuổi mầm non và đang loay hoay đi tìm tác giả sáng tác thơ theo từng chủ đề. Trước thời điểm đó, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một tác giả thiếu nhi, nhưng vẫn hào hứng nhận lời. Tôi không ngờ rằng cái gật đầu ngày ấy đã mang tới thành quả là 8 bài thơ cho chương trình cùng việc “khởi động” cho một hành trình hoàn toàn mới mẻ: trở thành một tác giả văn học thiếu nhi.
Đôi khi, nhìn lại thời điểm 8 năm trước để đặt câu hỏi vì sao lại viết, tôi vẫn nghĩ bởi mình yêu văn học và có ước mơ sáng tác từ nhỏ. Khi chọn trường đại học, tôi đã không ngại ngần bước tới giảng đường Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi lựa sách, tôi luôn thích làm bạn với sách thiếu nhi. Có điều, tôi không nhận ra những “dấu hiệu” ấy mà phải chờ đến VTV7 mở cánh cửa sáng tác cho mình.
Và “phép thử” ngày đó đã dẫn tôi qua chặng đường hơn 8 năm với các tập thơ: “Biển là trẻ con” (2016), “Ngày xưa của con” (2018), “Biển là trẻ con phiên bản đặc biệt” (2020), “Nhà mình vui nhất” (2023) và năm 2024 là “Bay qua Hồ Gươm”.
Trong tập thơ đầu tiên của năm 2016, đúng là tôi viết bằng không khí gia đình xoay quanh 2 đứa con nhỏ của mình. Nhưng bước sang tập thơ tiếp theo, tôi lập tức nhận ra mình cần mở rộng đề tài và tập quan sát xung quanh. Công việc hiện tại là nhà báo giúp tôi tiếp cận đề tài một cách khá thuận lợi.
Hà Nội không phải mảnh đất nơi chị sinh ra nhưng là nơi chọn để lập nghiệp, gắn bó. Hẳn rất yêu mảnh đất này nên tác giả mới làm hẳn một tập thơ “Bay qua Hồ Gươm” để chia sẻ tình yêu của mình với những bạn nhỏ?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc – nơi rất gần với Hà Nội, nên cứ vào dịp nghỉ lễ, tết là tôi rời xa Thủ đô. Những năm đầu ra trường và ở lại Hà Nội, tôi vẫn giữ “khoảng cách” với thành phố này. Nhưng với sức hút của ngàn năm văn hiến, nên có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai gắn bó đều “phải lòng” với Hà Nội. Tôi nhận ra điều ấy qua mỗi chuyến đi xa, về nhà là tìm cách vòng vèo lên bờ Hồ, rồi điểm danh các món ngon quán quen, những người bạn thân thiết…
Với “Bay qua Hồ Gươm”, chị muốn gửi gắm những điều gì khác ngoài việc chia sẻ tình yêu với nơi mình đang sống?
Khi viết tập thơ “Bay qua Hồ Gươm”, trong tôi có 2 góc nhìn, một của người yêu Hà Nội và một của một người không sinh ra ở đây. Vì thế, có một Hà Nội linh thiêng với vẻ đẹp bốn mùa và một Hà Nội gần gũi như bất cứ nơi đâu trong dải đất hình chữ S. Ở đó có người nghệ nhân giữ nghề đậu bạc Định Công hơn ngàn năm tuổi; có những bạn nhỏ thích hát dân ca, chơi đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn nhị; có chú thợ cắt tóc vui tính với âm thanh lách cách; có em bé oa oa cất tiếng khóc chào đời… Tôi muốn kể một câu chuyện Hà Nội không chỉ của riêng ai. Hà Nội là thủ đô Việt Nam và ai trong số chúng ta cũng có một góc Hà Nội của riêng mình.
Sáng tác chưa lâu nhưng sớm định vị được mình trong thơ thiếu nhi (ra sách đều đặn, được độc giả yêu mến, có nhiều tác phẩm vào SGK…), chắc không phải chỉ vì “may mắn”?
Sao lại không may mắn trong khi giữa thế giới sách thiếu nhi bạt ngàn, tôi vẫn có độc giả của riêng mình. Nhưng chính vì điều may mắn ấy nên tôi cẩn trọng và trân trọng công việc sáng tác của mình hơn. Phía sau mỗi cuốn sách là một hành trình đầy vất vả. Như để có cuốn sách “Bay qua Hồ Gươm” ra mắt tháng Mười này, tôi đã lựa chọn một năm đầy khó khăn về tài chính gia đình. Bởi nếu không can đảm lắc đầu với những công việc giúp mình có thêm thu nhập, làm sao tôi có đủ thời gian và sức lực để đi trọn vẹn hành trình ấy.
Làm thơ để sẻ chia với trẻ về những tình yêu lớn lao như quê hương đất nước không hề dễ với nhiều tác giả. Còn với chị thì sao? Chị chia sẻ cách để những bài thơ về đề tài lớn đi vào lòng trẻ thơ nhé?
Bí mật một chút, tôi… không hề có bí quyết gì cả. Trước mỗi bài thơ, tôi chỉ có duy nhất một đề tài và thả lòng mình để trở thành… trẻ con. Tôi luôn tin tưởng trẻ con sẽ tìm thấy góc nhìn riêng, lối đi riêng kể cả là đề tài lớn. Ví dụ như: “Cho con hỏi nhé/ Đất nước là gì?/ Vẽ bằng bút chì/ Có vừa trang giấy?” (Đất nước là gì?); hay trong tập thơ mới “Bay qua Hồ Gươm”, một người bạn nhận xét tôi đã… trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội, với những suy nghĩ rất đỗi thân thương: “Cô ơi bán cho cháu/Bánh sinh nhật khổng lồ/ Cắm hơn nghìn cây nến/ Mừng sinh nhật Thủ đô” (Chúc mừng sinh nhật).
Tác phẩm mới này được vẽ minh họa bởi con gái, hai mẹ con có gặp khó khăn gì để thực hiện cuốn sách?
Thật may mắn khi từ năm 2016 tới giờ, các tập thơ của tôi đều có dấu ấn của cô con gái nhỏ Mai Khuê. 8 năm, hai mẹ con cùng viết và vẽ 4 tập thơ, trong đó có 3 cuốn Mai Khuê vẽ tranh bìa. Nhìn qua thì đơn giản thế thôi, chứ để có tác phẩm tranh đủ cho một tập thơ là một hành trình chí chóe miên man, lúc con giận mẹ, lúc mẹ dỗi con. Trong khi mùa hè Mai Khuê muốn dành thời gian cho internet thật nhiều, thì bà mẹ lại kiếm cớ để con vẽ bằng tay mấy chục bức tranh. Đương nhiên là mâu thuẫn và xung đột liên tục xảy ra. Nhưng qua đó, tôi muốn con gái có một bài học về tính kỷ luật sẽ đưa mình đến cái đích tuyệt vời như thế nào. Khi cầm cuốn sách “Bay qua Hồ Gươm”, con gái tôi đã thốt lên “Đẹp quá mẹ ạ!”.
Sau “Bay qua Hồ Gươm” chị có dự tính gì về tập thơ tiếp theo chưa? Làm thơ thiếu nhi dễ hay khó nhỉ?
Có xấu hổ không nếu tôi bật mí có tới hai bản thảo đã xong. “Thư gửi ngày xưa” là một tập thơ kể về những bạn nhỏ thời bao cấp tay chân lấm láp, lưu dấu kỷ niệm tuổi thơ của những người giờ đã bước vào tuổi ông, bà. “Điều kỳ diệu” là một bản thảo “đánh dấu” kỷ niệm với 8 bài thơ được chọn trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, 4, 5. Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn ấp ủ những ý tưởng viết truyện tranh, sau cuốn “Mẹ yêu ai nhất?”.
Làm thơ thiếu nhi dễ hay khó – mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau. Với tôi, thơ là “hơi thở nhẹ” của cuộc đời tôi, vì thế tôi sẽ luôn trân trọng và giữ gìn cho mình. Và khi ấy, khó hay dễ đâu còn quan trọng nữa.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/tac-gia-huynh-mai-lien-tro-chuyen-cung-ha-noi-ve-ha-noi-dbf3417/