(LĐ online) – Nhằm kịp thời tôn vinh những nghệ nhân tiêu biểu có đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng vừa có công văn gửi các huyện, thành phố trong tỉnh về việc hướng dẫn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Tư.
Theo đó, Sở VH-TT-DL đề nghị các địa phương lựa chọn các nghệ nhân tiêu biểu xuất sắc đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định số 93/2023/NĐ-CP để lập hồ sơ xét tặng; đồng thời giúp đỡ hướng dẫn các nghệ nhân trong quá trình xây dựng hồ sơ.
Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú là ghi nhận những đóng góp xứng đáng của các nghệ nhân |
Hồ sơ đề nghị xét tặng của cá nhân bao gồm: Tờ khai đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” (theo mẫu đính kèm); Các tài liệu chứng minh về tri thức, kỹ năng, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Băng, đĩa hình, ảnh, tài liệu mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ hoặc các tài liệu khác liên quan (nếu có); Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp gửi hồ sơ qua bưu chính hoặc trực tuyến) các quyết định khen thưởng từ hình thức Giấy khen trở lên (nếu có).
Nghệ nhân ưu tú KTiếu – thôn Duệ, xã Đinh Lạc Di Linh nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình tại lễ tôn vinh |
Người đề nghị xét tặng phải nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở các lĩnh vực: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.
Lưu ý: trên thực tế không phải cá nhân nào nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản cũng có điều kiện tham gia các sự kiện để có tài liệu chứng minh về thành tích, giải thưởng. Ví dụ, trường hợp nghệ nhân nắm giữ tri thức dân gian về hát kể, đối đáp, sử thi… Vì vậy, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng đã đề nghị Phòng Văn hóa và Thông tin hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức lập hồ sơ đề nghị xét tặng cần vận dụng quy định phù hợp với từng đối tượng trong từng trường hợp cụ thể.
Đóng góp của các nghệ nhân làm sống dậy Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên |
Hồ sơ gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 1 bộ về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, địa chỉ: Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, số 36 Trần Phú, Đà Lạt, Lâm Đồng, chậm nhất đến ngày 02/01/2025.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định. Nếu đảm bảo yêu cầu, sẽ tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến tại cộng đồng dân cư (xã, phường, thị trấn) nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú hoặc Hội nghề nghiệp nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang hoạt động theo đúng quy định; hoàn thiện trình hồ sơ trình Hội đồng cấp tỉnh xét và đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xem xét, quyết định.
Lâm Đồng là vùng đất giàu bản sắc nằm trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với dân tộc Mạ, K’Ho, Churu là chủ nhân sáng tạo nên di sản. Thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh đã tổ chức hơn 100 lớp truyền dạy cồng chiêng cho gần 2500 thanh thiếu niên, đã làm sống dậy không gian di sản. Để làm được điều đó có sự góp sức rất lớn của các nghệ nhân – những người nắm giữ di sản cha ông truyền lại. Qua 2 lần tổ chức xét chọn từ cơ sở, đến nay, toàn tỉnh đã có 17 cá nhân được Nhà nước phong tặng “Nghệ nhân ưu tú”.
Sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành trong việc đề xuất, hướng dẫn các cá nhân có đủ tiêu chí làm hồ sơ thủ tục xét tặng danh hiệu sẽ tạo điều kiện để các nghệ nhân được Nhà nước tôn vinh, ghi nhận xứng đáng với những đóng góp, cống hiến của họ trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Nguồn: http://baolamdong.vn/du-lich/202409/huong-dan-thu-tuc-xet-tang-danh-hieu-nghe-nhan-uu-tu-nghe-nhan-nhan-dan-lan-thu-4-3c11325/