(LĐ online) – Chiều 13/4, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức khai mạc trại sáng tác cho các tác giả viết kịch bản văn học.
Đại biểu dự khai mạc trại sáng tác |
Tham dự có bà Nguyễn Thị Mỵ – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Nguyễn Tiến Hải – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, NSND Giang Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, nhà thơ Thanh Dương Hồng – Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng cùng 26 tác giả là nhà văn, nhà biên kịch, nhà lý luận phê bình, đạo diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình đến từ 17 tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh: Trại sáng tác nhằm thiết thực thực hiện Đề án 939 của Bộ VH-TT-DL về “Nâng cao năng lực sáng tác và lý luận phê bình văn học giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đây cũng là hoạt động để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, phát huy sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ trong việc sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng mang tính tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước.
Ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phát biểu khai mạc |
Đây là dịp để các nhà văn, nhà biên kịch nhà lý luận phê bình, đạo diễn sân khấu, điện ảnh, truyền hình gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm truyền cảm hứng trong lĩnh vực sáng tác kịch bản văn học. Qua đó thấy được tầm quan trọng và cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng sáng tác tác phẩm để tạo ra các vở diễn sân khấu hay, các tác phẩm điện ảnh, truyền hình có sức lôi cuốn, hấp dẫn khán giả.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn mong muốn trại viết sẽ mang đến cho các tác giả những trải nghiệm hữu ích phục vụ cho việc sáng tác, hoàn thiện những ý tưởng, đề cương, tạo ra những kịch bản giàu sức sáng tạo, những bài viết nghiên cứu phê bình có chiều sâu, chất lượng cao. Sau trại viết sẽ xây dựng thành những vở diễn hay những thước phim truyền cảm hứng cho quần chúng Nhân dân, những chương trình truyền hình có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Tiến Hải – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng phát biểu chào mừng |
Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Tiến Hải – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng tự hào là nơi có 3 di sản thế giới được UNESCO vinh danh: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; 37 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; 17 loại hình văn hóa phi vật thể của cộng đồng 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Cảnh quan thiên nhiên thơ mộng đem lại cho miền đất này những giá trị đặc sắc về văn hóa, con người, kiến trúc; thành phố Đà Lạt đã được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực âm nhạc… Đó không chỉ là niềm tự hào của Lâm Đồng – Đà Lạt mà còn là minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập. Đó cũng là nguồn chất liệu phong phú vô cùng quý giá để sáng tạo nên nghệ thuật đa sắc màu của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng mong muốn các nhà văn, nhà biên kịch đến từ các tỉnh thành trên cả nước sẽ tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm về vùng đất, con người Lâm Đồng. Hy vọng rằng đất và người Lâm Đồng sẽ mãi là nguồn đề tài phong phú, nguồn cảm hứng tươi mới cho các nhà văn, các nghệ sĩ tiếp tục say mê sáng tạo; để tỉnh Lâm Đồng sẽ ngày càng được xuất hiện nhiều hơn, chân thực hơn, sống động hơn trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng nền nghệ thuật biểu diễn nước nhà giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn.
NSND Giang Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẳng định: “Muốn có nền biểu diễn hàm lượng nghệ thuật cao thì trước hết phải có kịch bản tốt. Khát vọng của người cầm bút là tác phẩm của mình được lên phim, lên sàn diễn, lên sóng truyền hình, được dàn dựng đưa đến công chúng…” |
Trong 10 ngày diễn ra, các tác giả sẽ tham quan các di tích lịch sử, danh thắng của Lâm Đồng; thâm nhập thực tế, thu thập tài liệu tại các địa phương; gặp gỡ, tìm hiểu về lễ hội truyền thống đặc trưng của xứ sở ngàn hoa; các hoạt động văn học nghệ thuật hướng tới Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X – 2024.
Nhà văn Lại Văn Long – một người con sinh ra lớn lên ở Đà Lạt bày tỏ cảm xúc 37 năm được đến và viết tại Nhà sáng tác Đà Lạt |
Trại viết cũng sẽ có nhiều hoạt động chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề thiết thực như: Tọa đàm về tầm quan trọng của kịch bản văn học, chất lượng kịch bản hiện nay và những yêu cầu đổi mới với người viết; tình hình nguồn nhân lực, đội ngũ sáng tác kịch bản và phê bình kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình; chất lượng kịch bản phục vụ nghệ thuật biểu diễn hiện nay; nâng cao chất lượng kịch bản phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân…
Thư viện Quân đội tặng 200 sách cho Thư viện Lâm Đồng tại khai mạc trại viết |
Nhân dịp này, Thư viện Quân đội đã trao tặng Thư viện Lâm Đồng 200 bản sách trị giá 11 triệu đồng góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu phục vụ bạn đọc cho hệ thống thư viện công cộng của tỉnh.
Các nhà văn, nhà biên kịch tham dự trại viết chụp hình lưu niệm |
Sau lễ khai mạc, các nhà văn, nhà biên kịch đã đi thực tế tham quan danh lam thắng cảnh thác Prenn và dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng tại Đền thờ Âu Lạc, nguyện cầu mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân che chở cho dân tộc vượt qua cơn hoạn nạn do thiên tai bão lũ, cho đất nước thanh bình, nhà nhà bình an, người người no ấm.
Đoàn văn nghệ sĩ dâng hương tại Đền thờ Âu Lạc, tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương |
Nguồn: http://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202409/khai-mac-trai-sang-tac-kich-ban-van-hoc-tai-da-lat-b2105f9/