Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Bảo Lâm đã có nhiều hoạt động thiết thực, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Bảo Lâm tích cực tham gia trồng cây xanh |
• CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Bảo Lâm là địa phương có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, với tổng diện tích rừng tự nhiên 146,351 ha. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bảo Lâm, thời gian qua, cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng công tác tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội LHPN từ huyện đến cơ sở luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân nâng cao ý thức cùng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và phòng, chống biến đổi khí hậu bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, phối hợp cùng với Công ty Lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm và các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tuyên truyền người dân không phát rừng làm rẫy trái phép, không săn bắn thú rừng quý hiếm… Đến nay, đã có trên 16.900 ngày công canh gác, quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức 249 đợt phát động tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phòng, chống biến đổi khí hậu với trên 36.000 lượt người tham gia. Toàn huyện có khoảng 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và hộ sống gần rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng với tổng diện tích khoảng 70.500 ha. Thông qua đó, Nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng là người trực tiếp hưởng lợi từ nguồn dịch vụ môi trường rừng đã chủ động, tự giác hơn trong việc tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và phòng, chống biến đổi khí hậu, tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ tổ chức các buổi sinh hoạt tổ, hội thi hái hoa dân chủ, phối hợp với Công ty Lâm nghiệp tổ chức các lớp tập huấn… nhằm nâng cao kiến thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu cho hội viên, phụ nữ, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Trong những năm qua đã tham gia trồng gần 850.000 cây xanh các loại, nhận chăm sóc hơn 5.100 ha rừng trồng… Hội LHPN từ huyện đến cơ sở thường xuyên tổ chức ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải nhựa tái chế để tái sử dụng, phân loại rác thải… nhằm xây dựng môi trường xanh bền vững.
• XÂY DỰNG NHIỀU MÔ HÌNH HIỆU QUẢ
Hội LHPN huyện Bảo Lâm còn triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó lồng ghép nội dung Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “5 có 3 sạch” nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại 113 mô hình của các cấp Hội Phụ nữ trong toàn huyện. Tiêu biểu như các Mô hình: “Xách làn đi chợ và nói không với túi nilon”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Thu gom rác để đúng nơi quy định”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Con đường không rác”, “Tuyến đường hoa”, “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp”, “Con đường hoa giấy”, “Con đường lá xanh”, “Ươm cây giống, trồng và phát triển rừng”, “Biến rác thành tiền”, “Ngôi nhà xanh”… với trên 10.000 lượt chị em phụ nữ tham gia, trong đó có trên 4.600 lượt phụ nữ DTTS. Đồng thời duy trì 3 Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ rừng” tại Thôn 4, xã Lộc Bắc, Thôn 3, xã Lộc Bảo, Thôn 1, xã Lộc Lâm với 140 chị tham gia. Toàn huyện có 78 Mô hình “Phụ nữ tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên”; 28 Mô hình “Phụ nữ tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng”…
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn về công tác phụ nữ tham gia quản lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo cơ sở phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, kiểm tra, giám sát lượng tài nguyên thiên nhiên hiện có, chấp hành tốt Luật Quản lý bảo vệ và chăm sóc rừng, tiếp tục tham gia trồng rừng nhằm đảm bảo tài nguyên thiên nhiên được giữ vững. Bên cạnh đó tổ chức các lớp tập huấn tại các xã, thị trấn có rừng, tham gia tuần tra, canh gác, giữ rừng… Mỗi cơ sở hội cần xây dựng nhiều mô hình bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “5 có 3 sạch”, khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến của phụ nữ về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trồng rừng và bảo vệ rừng”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài – Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lâm cho biết.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202409/phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-bao-ve-tai-nguyen-thien-nhien-va-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-7182eaf/