Thay cho vườn cà phê trên đất đồi năng suất không cao, một đôi vợ chồng nông dân đã thay thế bằng một đồi cam ngọt mát. Trồng cam theo hướng hữu cơ, những người nông dân đang làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
Vợ chồng anh chị Vũ Thiện Tài- Đỗ Thị Mỹ bên vườn cam đang chính vụ |
• TRỒNG CAM HỮU CƠ TRÊN ĐẤT ĐỒI
Tại Thôn 6, xã Tân Lâm, huyện Di Linh, bà con rất quan tâm tới vườn cam canh của gia đình anh Vũ Thiện Tài và chị Đỗ Thị Mỹ. Đây là mô hình trồng cam trên đất dốc đầu tiên của thôn và đang vào chính vụ thu hoạch, với những trái cam lúc lỉu trên cành. Anh Vũ Thiện Tài chia sẻ, mảnh đất vốn trồng cà phê, do công chăm quá nhiều, cà phê đất đồi cũng không đẹp như cà phê đất thấp nên anh chị quyết tâm chuyển dịch sang các loại cây trồng khác. Nghiên cứu kỹ, anh Tài về vùng cam canh, mua cam giống về trồng. Đó là năm 2020, những cây cam canh giống được trồng xuống mảnh đất trước đó phủ đầy cà phê.
Trên mảnh đồi rộng 3 ha, anh xuống 1,2 ha cam với số lượng 1.700 cây. Trước khi trồng, anh đào hố và cho phân hữu cơ, giúp cây cam đủ dinh dưỡng trong thời gian đầu. Sau vài tháng, khi cây cam con bắt đầu bén rễ, việc chăm sóc trở nên đơn giản vì cam ít bệnh tật, chỉ cần theo dõi sát quá trình sinh trưởng của cây để có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Anh Tài cho biết: “Cây cam canh trồng trên đất đồi rất đẹp vì đất thoát nước tốt, không ảnh hưởng tới rễ. Trồng tại vùng Tân Lâm, cam còn khỏe hơn trồng tại đất gốc Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội”.
Anh Vũ Thiện Tài cũng cho biết thêm, vì cây cam canh ưa phân hữu cơ nên việc chăm sóc cũng rất tiện lợi vì anh chị xác định trồng cam theo hướng hữu cơ, mang lại cho người tiêu dùng một quả cam có chất lượng tốt. Nguyên vùng đồi, anh Tài hoàn toàn không cắt cỏ, chỉ dùng máy cắt khi cỏ quá cao. Cỏ giúp giữ đất, chống xói mòn, lại giữ được độ ẩm cho gốc cam. Cam canh muốn khỏe, muốn có trái ngọt phải bón nhiều phân hữu cơ và một số dung dịch như đậu nành xay, bắp xay trộn nước bỏ trực tiếp vào gốc. Anh Tài cũng chia sẻ, trồng cam canh không thể để tự nhiên mà cây ra trái đồng loạt, sai trái, đều trái; phải có nhiều kỹ thuật như cắt nước làm trái, khoanh gốc…, cây mới ra trái và giữ trái. Khi mua giống, người bán cũng chuyển giao kỹ thuật cho anh. Còn lại, trong quá trình trồng cam, anh mày mò tự tìm và rút kinh nghiệm. Một cách xử lý sâu bệnh hiệu quả mà anh Tài chia sẻ: “Cây cam canh chỉ sợ sâu vẽ bùa, nhất là khi ra đợt đọt non. Bởi vậy cần chú ý, khi cây ra đọt thì phun thuốc ngừa, sâu sẽ không hoạt động. Thuốc phun ngừa đều là thuốc sinh học, có hiệu quả khi phun ngay từ khi chưa có dấu hiệu. Chứ để đến khi có sâu, lá bị vẽ bùa rồi thì phải dùng thuốc nặng mà cây vẫn kém phát triển”.
• GIỮ GÌN GIÁ TRỊ CHO TRÁI CAM
Năm 2023, vườn cam của anh chị Vũ Thiện Tài- Đỗ Thị Mỹ cho thu rộ sau năm 2022 thu bói lác đác. Theo tính toán của chị Mỹ, 1000 cây cho trái, anh chị có thể thu được 30 tấn. Hiện tại, mỗi tuần anh chị thu hoạch từ 300 – 400 kg, thương lái tới tận vườn mang đi với giá 40 – 45 ngàn đồng/kg. Chị Mỹ cho biết, cam canh trồng ở Di Linh ngọt thanh, không đắng, ít xơ và đặc biệt không có hạt, rất phù hợp với người già và trẻ nhỏ. Vụ cam chính là vụ tháng 10, bắt đầu thu từ nay tới Tết âm lịch. Tuy nhiên, gia đình chị đã học hỏi và qua năm sẽ xử lý cam ra trái vụ chiêm, vụ tháng 5, dù năng suất thấp nhưng giá rất cao. Chị Mỹ thông tin: “Riêng cam của gia đình là hái chín hẳn, khi cả trái lên màu vàng hết, không còn đốm xanh gia đình mới hái. Cam hút hàng, có thương lái yêu cầu hái cam chín vừa để tăng năng suất nhưng gia đình tôi cương quyết yêu cầu hái chín hẳn. Trái cam chín hẳn mới đủ độ ngọt, không xơ, không đắng, người tiêu dùng ăn ngon. Trồng cây bán trái mình cũng phải giữ thương hiệu cho cam Tân Lâm”.
Ngoài 1,2 ha cam, anh chị còn đang trồng thêm 5 sào cam Vinh với 700 gốc, cũng đang cho bói lác đác. Cam Vinh trồng trên đất đồi cũng cho trái ngon không kém tại quê gốc, vị trái ngọt đậm, chua nhẹ, thơm và mọng nước. Qua năm 2024, chị Mỹ tính toán gia đình có thể đạt 50 tấn trái cam canh và 10 tấn trái cam Vinh. Và gia đình cũng đang tiếp tục trồng nốt diện tích cam canh để có thêm sản phẩm phục vụ thị trường.
Ông Lê Trường Sơn – Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Lâm, huyện Di Linh đánh giá, gia đình anh chị Vũ Thiện Tài – Đỗ Thị Mỹ là nông hộ giỏi, làm ăn chăm chỉ, thu nhập ổn định tại địa phương. Mô hình trồng cam của anh chị đã góp phần giới thiệu đến bà con thêm một loài cây ăn trái, bên cạnh các cây trồng truyền thống như cà phê, sầu riêng.