(LĐ online) – Chiều ngày 7/11, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chủ trì buổi làm việc về công tác thu ngân sách năm 2023, giải pháp thu ngân sách 2 tháng còn lại của năm để đạt nhiệm vụ thu của năm. Tham dự buổi làm việc có Giám đốc các sở, ngành, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
• CÁCH “VẠCH ĐÍCH” HƠN 2.200 TỶ, LÂM ĐỒNG ĐỨNG THỨ 22 CẢ NƯỚC VỀ THU NGÂN SÁCH
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 10 tháng đạt 10.338 tỷ đồng, đạt 82% dự toán Trung ương, 71% dự toán địa phương và bằng 86% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức và lợi nhuận còn lại: 10.084 tỷ đồng, đạt 82% dự toán Trung ương, đạt 71% dự toán địa phương và bằng 86% so cùng kỳ.
Cụ thể, trong đó: Cơ quan Thuế quản lý thu 9.669 tỷ đồng, đạt 81% dự toán Trung ương, 70% dự toán địa phương, 84% so cùng kỳ. Phân tích so với dự toán: Có 9/16 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán địa phương; Và có 7/16 khoản thu, sắc thuế đạt thấp so với dự toán địa phương như: Thu từ thu nhập cá nhân đạt 55%; thuế bảo vệ môi trường: 46%; lệ phí trước bạ: 41%; thuế sử dụng đất nông nghiệp: 24%; thu tiền sử dụng đất: 33%; thu tiền cho thuê và bán nhà thuộc sở hữu nhà nước: 52%; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế đạt: 42%.
So với cùng kỳ thì có 9/16 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với cùng kỳ; 7/16 khoản thu, sắc thuế đạt thấp so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Cơ quan Tài chính quản lý thu: 412 tỷ đồng, đạt 133% dự toán Trung ương, 105% dự toán địa phương, 153% so với cùng kỳ; Cơ quan Hải quan quản lý thu: 242,7 tỷ đồng, đạt 77% dự toán Trung ương, 67% dự toán địa phương, bằng 101% so với cùng kỳ.
Đánh giá kết quả thu theo địa bàn huyện, thành phố thì khối huyện thực hiện 6.782 tỷ, đạt 51% dự toán, 60% so với cùng kỳ; khối tỉnh thực hiện 6.782 tỷ, đạt 90% dự toán, 112% so với cùng kỳ.
Đồng chí Trần Phương – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Nhiệm vụ thu năm 2023, dự toán Trung ương giao 12.623 tỷ đồng và dự toán HĐND và UBND tỉnh giao 14.500 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, toàn tỉnh cần thu 2.285 tỷ để đạt chỉ tiêu Trung ương giao và hơn 4.162 tỷ để đạt chỉ tiêu HĐND và UBND tỉnh giao. Trong bối cảnh nhiều nguồn thu, sắc thuế có chiều hướng sụt giảm, ngành Thuế đã và đang nỗ lực tìm các khoản thu khác để bù đắp cho khoản hụt thu từ tiền sử dụng đất và đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ danh nghiệp, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt – Lạc Dương, Bảo Lộc – Bảo Lâm, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà cũng đã báo cáo tình hình, phân tích các dư địa, đề ra giải pháp cụ thể để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu của năm.
Đồng chí Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu tại buổi làm việc |
• NỖ LỰC CHẠY “NƯỚC RÚT”
Để hoàn thành nhiệm vụ thu do HĐND và UBND tỉnh giao, toàn ngành thuế với mục tiêu phấn đấu quý thi đua, tháng nước rút, tuần nước rút, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu 14.500 tỷ do HĐND tỉnh giao; các đại biểu dự họp đã nêu lên các giải pháp một cách rõ ràng, quyết liệt: Đối với cơ quan thuế các cấp, với các lĩnh vực đã hoàn thành dự toán năm 2023, giao chỉ tiêu thu phấn đấu để bù đắp phần hụt thu thuế thu nhập các nhân và lệ phí trước bạ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy. Phối hợp các cơ quan liên quan phấn đấu thu đạt kết quả cao nhất số thu từ lĩnh vực đất nhà.
Tiếp tục phối hợp với cơ quan Tài nguyên – Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, UBND xã, phường, thị trấn rà soát, đôn đốc thu các khoản nợ nghĩa vụ tài chính về đất, giải quyết kịp thời các hồ sơ về đất phát sinh. Phối hợp, báo cáo kịp thời cho UBND các huyện, thành phố các vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý hồ sơ nhà, đất phát sinh trên địa bàn. Bố trí đầy đủ nguồn nhân lực để giải quyết hồ sơ phát sinh theo đúng quy định.
Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Đăng ký kinh doanh rà soát số doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký mới hoặc ra kinh doanh trở lại để đưa vào quản lý thu thuế kịp thời. Tăng cường kiểm tra các hộ kinh doanh có đơn xin ngưng, nghỉ kinh doanh để xác định chính xác nghĩa vụ thuế, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định nếu có vi phạm.
Tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, trụ sở người nộp thuế nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai sót, vi phạm của người nộp thuế; nâng cao chất lượng công tác thanh kiểm tra, tăng thu qua thanh kiểm tra và đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản phát sinh qua thanh kiểm tra.
Thực hiện linh hoạt các biện pháp cưỡng chế thuế để thu hồi tối đa nợ đọng thuế. Thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, như gia hạn, miễn giảm các khoản thuế, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ xe ô tô sản xuất trong nước, …
Rà soát, tăng cường khai thác các nguồn thu nhằm bù đắp các khoản hụt thu như: hoạt động xây dựng cơ bản vãng lai, xây dựng cơ bản tư nhân, kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh ăn uống, dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng… Các Chi cục Thuế chủ động phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế hoạt động cho thuê mặt bằng, thương mại điện tử… Tăng cường quản lý nội ngành, kiểm tra công vụ, duy trì kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh kịp thời hành vi tiêu cực nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.
Đối với UBND các huyện, thành phố: Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách trên địa bàn hàng tuần, tăng cường công tác lãnh đạo, có phương án chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn, nhằm đẩy nhanh tiến độ thu, nhất là các khoản thu từ đất nhà. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn rà soát, tổng hợp các khu vực, địa chỉ phân lô đấu giá, các trường hợp giao đất tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá, đấu giá, tổ chức đấu giá ngay đối với các địa chỉ đã được UBND tỉnh phê duyệt giá.
Quang cảnh buổi làm việc |
Các địa phương cần đôn đốc, thu nộp kịp thời các trường hợp trúng đấu giá trong quý IV/2023. Chủ động trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác bố trí tái định canh, tái định cư, tháo gỡ khó khăn phát sinh, góp phần tăng thu từ đất trong các tháng cuối năm 2023. Rà soát, giải quyết kịp thời hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của tổ chức, cá nhân. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nếu phù hợp quy hoạch lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định. Tiếp tục chỉ đạo tổ liên ngành rà soát, đôn đốc, xử lý các trường hợp nợ đọng tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, phấn đấu giải quyết cơ bản khoản nợ đọng này trong năm 2023.
Đối với các sở, ngành liên quan: Tập trung tối đa nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu ngân sách các tháng còn lại của năm 2023, nhất là các khoản thu thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh; chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án khu dân cư, đô thị,… có phát sinh nghĩa vụ với NSNN; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất và kinh doanh; khắc phục tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh giải thể, ngừng hoạt động tăng cao.
Đẩy nhanh tiến độ xác định, thẩm định giá nhất là các lô đất, thửa đất có giá trị trên 10 tỷ đồng; hồ sơ đấu giá đất, giao đất, xử lý hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện để doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Tăng cường phối hợp với cơ quan Thuế và các địa phương trong việc thực hiện các đề án chống thất thu thuế do UBND tỉnh ban hành, nhất là các đề án chống thất thu trong lĩnh vực khoáng sản, xăng dầu, du lịch, ăn uống, vận tải, thương mại điện tử; công tác xử lý nợ đọng thuế, nhất là việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế thông qua việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thu hồi dự án, thu hồi đất… Rà soát, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dự liệu dùng chung giữa các ngành, UBND các huyện, thành phố, nhất là lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp nhấn mạnh: Trước hết phải khẳng định sự nỗ lực rất lớn của ngành Thuế, các ngành, các địa phương khi đến thời điểm này tỉnh đạt được số thu NSNN tốt như hiện nay trong bối cảnh kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, các chính sách tài khóa có nhiều thay đổi… Thời gian từ nay đến cuối năm không còn dài, áp lực nhiệm vụ thu ngân sách rất lớn khi tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, khó lường.
Do vậy, để phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu ngân sách được giao, ngành Thuế tập trung bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; quán triệt nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Chủ động theo dõi, bám sát diễn biến kinh tế, xã hội trong và ngoài nước, chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các Chi cục Thuế khu vực nắm bắt thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để dự báo những nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả thu NSNN.
Theo dõi sát tiến độ thu ngân sách, quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, đúng pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có nguồn lực hồi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, giúp người nộp thuế dễ tiếp cận, nắm bắt kịp thời các chính sách thuế. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Tiếp tục rà soát, đối chiếu, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ như trích tiền từ tài khoản; công khai thông tin người nộp thuế nợ lớn, chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo ngừng sử dụng hóa đơn, đề nghị dừng xuất nhập cảnh… để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá, ngăn ngừa tình trạng buôn bán hóa đơn bất hợp pháp của các doanh nghiệp để gian lận thuế chiếm đoạt tiền thuế, tiền hoàn thuế.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN của năm thì nguồn thu từ đất là nguồn thu có dư địa lớn cần khai thác một cách hợp lý, chặt chẽ để tăng nguồn thu. Bên cạnh đó là các dự án trên địa bàn, cần gắn dự án đầu tư vào xử lý hoàn thuế.
Đồng chí Trần Phương – Cục trưởng Cục Thuế
|
Về thu từ đất nhà, chúng ta không cần tập trung vào những cái quá lớn mà phải tận dụng nguồn thu từ các nguồn thu nhỏ nhất, đặc biệt các huyện cần mạnh dạn tính giá khởi điểm để đưa vào đấu giá. Trong quá trình triển khai, đề nghị ngành Thuế phối hợp rà soát các hợp đồng thuê đất hết hạn, đây cũng là nguồn thu bổ sung cho những khoản thu thiếu hụt.
Đồng chí Nguyễn Văn Trãi – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
|
Cách thức bây giờ cần tính toán uyển chuyển hơn, ngành Thuế tham mưu cho lãnh đạo các địa phương tận thu các nguồn thu từ đất nhỏ, tiềm năng hơn là trông chờ vào các dự án lớn. Quy hoạch sử dụng đất toàn tỉnh đã ký và ban hành, chúng ta cần một tổ chuyên xử lý, hỗ trợ cho người dân về cách thức thay đổi quyền sử dụng đất cho người dân một cách phù hợp, đây cũng là một nguồn thu. Đặc biệt, cần tập trung thu nợ đọng thuế, tận dụng từ các cấp phường, xã là cơ sở nắm chắc nhất các khoản nợ đọng. Với các dự án đầu tư, cần cơ chế thông thoáng, giải pháp để các nhà đầu tư nhanh chóng cân đối thực hiện dự án, đem lại nguồn thu cho địa phương.
Đồng chí Tôn Thiện San – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
|
Giải pháp đưa ra là tận dụng hết các tài khoản tạm thu, tạm giữ, sở sẽ làm việc với các huyện để tận thu bù đắp vào khoản thu từ thuế – phí. Đến nay đã có quyết định ban hành đấu giá 12 địa chỉ nhà đất, đấu giá thành công hơn 2 địa chỉ cũng đem lại nguồn thu lớn, trong 2 tháng cuối năm, 8 địa chỉ còn lại sẽ được rà soát, đấu giá để thu trên 300 tỷ. Tuy nhiên, ngành Thuế cần chủ động để các khoản thu bù đắp vào các khoản thu thiếu hụt, các giải pháp thu của các Chi cục Thuế khu vực đưa ra ngành Tài chính sẽ phối hợp
Đồng chí Phạm Thị Tường Vân – Giám đốc Sở Tài chính
|