(LĐ online) – Đạ M’rông, vùng đất khó thuộc 3 xã Đầm Ròn xưa, nơi những người Mnông, K’Ho bao đời cặm cụi lao động. Nay Đạ M’rông đang xanh ngắt màu xanh của lúa, màu xanh của dâu và màu trắng no ấm của kén tằm.
Mốk K’Oanh, cô gái Mnông đang hái dâu |
THOÁT NGHÈO CÙNG CÂY DÂU CON TẰM
Mốk K’Oanh, cô gái M’nông dễ thương đang mải miết chăm vườn dâu của gia đình. Chị bảo, đây là cánh đồng Chuối, một cánh đồng truyền thống của bà con M’nông bao nhiêu đời, từ thời cha mẹ, ông bà của chị. Nghe tên là biết cây trồng, tên là cánh đồng Chuối bởi xưa cánh đồng mọc nhiều chuối, một số nhà trồng xen bắp. Chuối, bắp giúp người dân hết đói nhưng vẫn nghèo.
Còn hôm nay, đồng Chuối đã không còn chuối. Thay vào đó là bạt ngàn dâu tằm, thứ dâu cao sản S7-CB lá to bằng mặt người, xanh ngắt như màu hi vọng. Dâu tằm giúp người Đạ Mrông có thu nhập nhanh chóng, mỗi tháng có một lứa kén trắng tinh bán ra thị trường. Dâu tằm mang lại no ấm, khá giả cho người Đạ Mrông. Như nhà Mốk K’Oanh có 6 sào dâu, có thể nuôi từ 1-2 hộp tằm/tháng, gối đầu liên tục. Với giá tằm ổn định như những năm này, nhà chị có thể thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng khá dễ dàng.
Anh Liêng Hót Ha Sion, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo xã Đạ M’rông cho biết, cánh đồng Chuối rộng 40 ha, được xã quy hoạch làm nơi chuyên canh dâu tằm. Toàn xã có trên 91 ha dâu với 318 hộ nuôi tằm, so với cuối năm 2021 đã tăng diện tích trồng dâu lên 40 ha. Cây dâu mang lại sản phẩm rất nhanh, giúp bà con có thu nhập tốt nên lãnh đạo địa phương đặt mục tiêu khuyến khích bà con chuyển đổi những vùng đất thiếu nước sang trồng dâu, mở rộng diện tích nuôi tằm. Và đồng Chuối rất phù hợp với cây dâu, thay cho trồng những cây thu nhập thấp như chuối, củ mì. Đạ Mrông xác định, nông hộ chỉ cần tiếp cận kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, chỉ sau 3-5 tháng là đã có thu nhập, sau một vài năm, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt, nguồn thu hàng tháng đều đặn giúp người nông dân ổn định cuộc sống.
ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT TRỒNG DÂU NUÔI TẰM
Tuy nhìn thấy rõ cây dâu con tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, song với nhiều hộ đồng bào dân tộc ít người, kỹ thuật trồng dâu, giống dâu cũng như kỹ thuật chăm sóc con tằm còn gặp nhiều bỡ ngỡ, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cũng như UBND huyện Đam Rông đã có một số giải pháp đưa năng suất cây dâu, chất lượng con tằm tại Đạ M’rông cũng như các xã Đầm Ròn từng bước được nâng lên.
Là hộ có 2.000 m2 dâu trên đất trồng cây cà phê cũ, anh Liêng Jrang Ha Hoàng, thôn Liêng Đ’Rắc 2 cho hay do giá kén tằm vài năm trở lại đây ở mức cao từ 160.000 tới 200.000 đồng/kg nên gia đình anh và bà con xung quanh đang mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô và cà phê cằn cỗi sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-4 lần.
Cánh đồng Chuối mênh mông dâu tằm xanh mướt |
Anh Ha Hoàng cho biết, gia đình anh cả chục năm qua canh tác trồng cà phê và lúa nước trên diện tích 3.000 m2. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình thu về gần 10 triệu đồng. Tới năm 2020 nhận thấy giá kén tằm ở mức cao nên anh chuyển 2.000 m2 trồng cà phê sang trồng cây dâu.
Tuy nhiên, do trồng giống dâu cũ, đồng thời một số loại bệnh gây xoăn lá, bạc thau thường xuất hiện chưa biết cách phòng trừ nên năng suất lá dâu thu trung bình chỉ ở mức 500-600 kg/năm. Anh Ha Hoàng cũng nhận xét, bà con thôn Đa Tế lân cận trồng dâu tốt hơn, năng suất cao hơn gia đình anh. Vì vậy, bà con thôn Liêng Đ’Rắc cũng đang học hỏi để chuyển đổi giống dâu cao sản sạch bệnh. Anh cho biết, ngành nông nghiệp và xã sẽ giúp nông dân tiếp cận được với nguồn giống dâu cao sản chất lượng tốt, bà con sẽ có dâu sạch trồng cung cấp cho tằm.
Lãnh đạo xã Đạ M’rông cho biết tại khu vực thôn Đa Tế hiện có khoảng 1 ha dâu được Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệp Nông – Lâm nghiệp Lâm Đồng, đơn vị trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên hỗ trợ giống dâu, kỹ thuật chăm sóc nhằm giúp bà con dân tộc thiểu số 3 xã Đầm Ròn phát triển bền vững ngành Trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn.
Nằm trong số hộ được hỗ trợ thuộc dự án nêu trên, tại vườn dâu rộng 3.000 m2 ven bãi bồi sông Krông Nô, anh Liêng Jrang Ha TiNo thôn Đa Tế, cho biết, giống dâu mới S7-CB và TBL-03 anh trồng khoảng 3 tháng nhưng cho năng suất vượt trội so với giống dâu cũ, trong khi các loại sâu bệnh trên lá giảm hẳn. “Giống dâu mới sinh trưởng nhanh, lá to và dầy hơn nhiều so với giống cũ mình trồng cách đây 2 năm. Nếu mình bỏ phân hữu cơ đúng tỷ lệ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn thì 3 sào dâu có thể cho thu hoạch 7,5 tấn lá mỗi năm”, anh TiNo phấn khởi nói.
Ông Võ Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông chia sẻ, cây dâu con tằm thực sự đã mang lại khởi sắc cho kinh tế của người nông dân. Việc các cơ quan nông nghiệp tích cực giúp đỡ bà con chuyển đổi giống dâu, nâng cao kỹ thuật chăm tằm đã giúp bà con ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng kén, nâng cao thu nhập từ vật nuôi. Ngành Nông nghiệp cũng như chính quyền xã, chính quyền huyện luôn chuyển giao kỹ thuật tới cho nông hộ. Những hộ nghèo, cận nghèo được xã đánh giá, xem xét và hỗ trợ các nông cụ trồng dâu nuôi tằm.
Nụ cười no ấm của người con gái Mnông bên né kén chín |
Thời gian qua, UBND huyện Đam Rông đang triển khai Đề án Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các xã vùng 3 (Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông và Liêng Srônh). UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện cùng các xã đang triển khai hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn trái xen cây cà phê, chăn nuôi lợn đen,… cho bà con tham gia đề án, từng bước nâng cao năng suất cây trồng, đàn vật nuôi giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là từ các mảnh đất hoang hoá, cằn cỗi, năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập ổn định đang là hướng phát triển nông nghiệp mang lại no ấm cho người nông dân.