Tối 5/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2023).
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu |
Dự Lễ có các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đây là hoạt động nhằm cổ vũ, tiếp thêm động lực cho những người làm báo cả nước đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Nhiều tác phẩm có tính phát hiện và thể hiện sự dấn thân của nhà báo
Sau hai năm tổ chức và triển khai, tính đến hết ngày 31/8/2023, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023 đã nhận được 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao Giải A cho các tác giả |
4 tác phẩm đoạt giải A:
Loạt bài 5 kỳ: Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn; Tác giả: Nguyễn Hồng Nguyên; đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật;
Loạt bài 5 kỳ: Ngang nhiên “phân lô” mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội; Nhóm tác giả: Nguyễn Quán Tuấn, Trần Văn Quốc, Quách Hà Đương; đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận;
Loạt 3 bài: Thuốc nào trị “bệnh sợ sai”?; Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa; phát sóng trên Kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam;
Phim tài liệu: Không lùi bước; Nhóm tác giả: Nguyễn Nhật Duy, Phan Ý Linh; phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Tại Giải lần này, TTXVN có hai tác phẩm đoạt giải, gồm: Loạt 4 bài: “Cơn khát” thuốc điều trị, vật tư y tế: “Khi trăm dâu đổ đầu tằm” của tác giả Cao Thị Thùy Giang, đăng trên Báo điện tử VietnamPlus, đoạt giải B, thể loại báo điện tử; loạt 5 bài: “Tảng băng trôi” Việt Á – Bài học về công tác cán bộ của nhóm tác giả: Quang Vũ, Lan Anh, phát trên sóng Truyền hình Thông tấn, đoạt giải C, thể loại truyền hình.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, nhìn chung các tác phẩm tham dự Giải năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua những đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại.
Phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương, các tác phẩm dự giải là kết tinh thành quả lao động miệt mài của các nhà báo, vượt lên mọi khó khăn, áp lực, thậm chí nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp để có được các tác phẩm báo chí mang tính chiến đấu cao, tính nhân văn sâu sắc.
Điểm mới của Giải lần này là đã có nhiều hơn các tác phẩm viết về đề tài phòng, chống tiêu cực được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải đánh giá cao; đồng thời cũng có thêm những tác phẩm về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động lan tỏa trong xã hội.
54 tác phẩm được Hội đồng Chung khảo xét chọn đoạt Giải là những tác phẩm được điều tra công phu. Có những tuyến bài được thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để đi đến tận cùng của sự thật. Nhiều tác phẩm ở thể loại báo in được Hội đồng chung khảo đánh giá cao như: Loạt bài 5 kỳ về “Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật; loạt 3 bài “Bóp méo và trục lợi” chính sách nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh – Hà Nội) đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; loạt 3 bài “Không để tổ chức đảng thành công cụ của sai phạm” đăng trên Báo Quân đội nhân dân…
Nhiều tác phẩm ở thể loại báo điện tử được thể hiện thông qua những đề tài phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại như: Loạt bài 5 kỳ “Ngang nhiên “phân lô” mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội” đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận; loạt 4 bài “Cơn khát” thuốc điều trị, vật tư y tế: “Khi trăm dâu đổ đầu tằm” đăng trên Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; loạt 4 bài “Về sửa Luật Đất đai năm 2013” đăng trên Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh…
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao Giải B cho nhóm tác giả với tác phẩm ở thể loại báo điện tử loạt 4 bài “Cơn khát” thuốc điều trị, vật tư y tế: “Khi trăm dâu đổ đầu tằm” đăng trên Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam |
Các tác phẩm phát thanh cũng tập trung vào việc phát hiện, phản ánh những vụ việc nổi cộm về hàng loạt vật tư, thiết bị y tế “đắp chiếu” trong kho; hàng loạt công trình, dự án ì ạch, chậm tiến độ tại các địa phương nhiều năm nay không xử lý được trong khi nguồn lực về vốn, tài nguyên không thiếu…, như: Loạt 3 bài “Thuốc nào trị “bệnh sợ sai”?” phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam; loạt 2 kỳ “Khi quy hoạch “ì ạch”” phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên…
Đối với thể loại truyền hình, nhiều tác phẩm mang tính thời sự cao, phản ánh rõ nét công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước như: Phim tài liệu: “Không lùi bước” phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam; tác phẩm “Một thập kỷ đơn thư” phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An…
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trao Giải B cho các tác giả |
Đề cao báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan đã tổ chức Giải báo chí có ý nghĩa này; biểu dương, chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 54 tác phẩm xuất sắc nhất được biểu dương, tôn vinh tại Lễ trao Giải.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường hơn nữa vai trò xung kích, tiên phong của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội, của báo chí, người dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ của đảng viên…; phản ánh và phê phán mạnh mẽ tình trạng đùn đẩy, thoái thác, sợ trách nhiệm, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp, ngành, các cơ quan báo chí cần tăng cường phối hợp, đồng hành; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước xây dựng văn hóa tiết kiệm, văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí. Trước hết, trong cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, chú trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo sự gắn bó khăng khít giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo để kịp thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục vướng mắc với những kẽ hở của chính sách pháp luật, xử lý căn cơ, tận gốc, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo, của hội viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, công tác tổ chức trao Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục được đổi mới để các nhà báo có điều kiện tham gia tích cực hơn, với nhiều tác phẩm chất lượng, tạo hiệu ứng trong xã hội.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao Giải C cho các tác giả |
Danh sách 54 tác phẩm xuất sắc đoạt giải:
I. GIẢI A (4 tác phẩm)
1. Tác phẩm: Loạt bài 5 kỳ: Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn; Tác giả: Nguyễn Hồng Nguyên; đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật;
2. Tác phẩm: Loạt bài 5 kỳ: Ngang nhiên “phân lô” mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội; Nhóm tác giả: Nguyễn Quán Tuấn, Trần Văn Quốc, Quách Hà Đương; đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận;
3. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Thuốc nào trị “bệnh sợ sai”?; Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa; phát sóng trên Kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam;
4. Tác phẩm: Phim tài liệu: Không lùi bước; Nhóm tác giả: Nguyễn Nhật Duy, Phan Ý Linh; phát sóng trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
II. GIẢI B (10 tác phẩm)
1. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Loại bỏ việc thi đua hình thức, “chạy chọt” khen thưởng; Nhóm tác giả: Lâm Nguyên, Đỗ Trung; đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng;
2. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm; Nhóm tác giả: Anh Hiếu, Quỳnh Vinh; đăng trên Báo Công an Nhân dân;
3. Tác phẩm: Loạt 3 bài: “Bóp méo và trục lợi” chính sách nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh – Hà Nội); Nhóm tác giả: Lê Ngọc Hải, Nguyễn Thị Hồng; đăng trên Báo Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam;
4. Tác phẩm: Loạt 4 bài: “Cơn khát” thuốc điều trị, vật tư y tế: “Khi trăm dâu đổ đầu tằm”; Tác giả: Cao Thị Thùy Giang; đăng trên Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam;
5. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Về sửa Luật Đất đai năm 2013; Tác giả: Chân Luận; đăng trên Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh;
6. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng ở Gia Lai; Tác giả: Xuân Nha; đăng trên Báo điện tử Bảo vệ pháp luật;
7. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh; Nhóm tác giả: Đỗ Doãn Hoàng, Hoàng Văn Chiên, Nguyễn Đức Minh, Phạm Sỹ Công; đăng trên Báo điện tử Dân Việt;
8. Tác phẩm: Loạt 2 kỳ: Khi quy hoạch “ì ạch”; Nhóm tác giả: Trần Thị Thu Trang, Nguyễn Thành Chung; phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên;
9. Tác phẩm: Loạt bài 3 kỳ: Rừng quốc gia Tam Đảo bị xâm hại – Ai chịu trách nhiệm?; Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thanh Kim Huệ, Nguyễn Thế Khải, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Duy Hương, Tạ Đình Lê, Lê Chí; phát trên sóng Truyền hình Nhân dân;
10. Tác phẩm: Một thập kỷ đơn thư; Nhóm tác giả: Nguyễn Toàn, Duy Thanh, Thanh Nga, Nguyễn Thủy; phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An.
III. GIẢI C (12 tác phẩm)
1. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Vụ chia tiền “luật ngầm” mới được xuất hàng qua cửa khẩu; Nhóm tác giả: Hồng Hạnh, Văn Thương, Việt Hòa; đăng trên Báo Giao thông;
2. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Những góc khuất trong giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tại Bảo Lâm (Lâm Đồng); Tác giả: Nguyễn Phúc Khánh; đăng trên Báo Lâm Đồng;
3. Tác phẩm: Loạt 5 bài: “Vàng tặc” phá nát Thác Trắng – Bồng Miêu: Có sự bảo kê hay chính quyền bất lực?; Tác giả: Trần Văn Tân; đăng trên Chuyên đề Công an thành phố Đà Nẵng;
4. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Chống lãng phí và “sức nặng” cuộc giám sát tối cao của Quốc hội; Nhóm tác giả: Ngọc Thành, Hà Phương; đăng trên Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam;
5. Tác phẩm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hội tụ niềm tin, củng cố tiềm lực, vững vàng vị thế; Nhóm tác giả: Lương Chí Công, Nguyễn Tuấn Phong, Nguyễn Viết Thành; đăng trên Báo điện tử Hà Nội mới;
6. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Cầu nối ý Đảng với chính quyền đã thỏa “cơn khát” lòng dân; Nhóm tác giả: Phạm Quốc Cường, Nguyễn Gia Hải, Nguyễn Phong Quang, Nguyễn Trung Kiên; đăng trên Báo điện tử Pháp luật Việt Nam;
7. Tác phẩm: Loạt bài 5 bài: “Bóng ma” hóa đơn đỏ và những bàn tay đen; Nhóm tác giả: Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Sĩ Cường, Đỗ Văn Việt; đăng trên Báo điện tử Công lý;
8. Tác phẩm: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; Nhóm tác giả: Nguyễn Pháp, Thùy Vinh, Huy Hiểu, Khánh Ngọc; phát sóng trên Kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam;
9. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Phòng, chống tham nhũng: Không để “voi đất đai” chui lọt “lỗ kim pháp lý”; Nhóm tác giả: Lê Phương Trang, Trần Thị Mỹ Linh; phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai;
10. Tác phẩm: Đóng cửa rừng – Đóng một cửa lại mở ra nhiều cửa; Nhóm tác giả: Nguyễn Văn Giang, Phạm Văn Việt, Trương Lê Thanh Tân; phát sóng trên Kênh VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam;
11. Tác phẩm: Loạt 5 bài: “Tảng băng trôi” Việt Á – Bài học về công tác cán bộ; Nhóm tác giả: Quang Vũ, Lan Anh; phát trên sóng Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam;
12. Tác phẩm: Cuộc chiến không ngừng nghỉ; Nhóm tác giả: Hoàng Trọng Hiếu, Ngọ Văn Anh, Nguyễn Đình Hoàn, Nguyễn Đoàn Hiệp, Quách Tuấn Anh, Nguyễn Huy Đoàn, Bùi Thanh Liêm; phát sóng trên Kênh VTC14, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
IV. GIẢI KHUYẾN KHÍCH (28 tác phẩm)
1. Tác phẩm: Trị tận gốc tham nhũng – vấn đề được đặc biệt quan tâm trong Cuốn sách mới xuất bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tác giả: Phạm Thị Thinh; đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam;
2. Tác phẩm: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay; Tác giả: Bùi Thị Thu Huyền; đăng trên Tạp chí Nội chính;
3. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Dự án “khủng” hành dân; Nhóm tác giả: Hồ Xuân Hoàng, Đặng Thị Hạnh, Đặng Viết Sơn; đăng trên Báo Đại đoàn kết;
4. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Không để tổ chức đảng thành công cụ của sai phạm; Nhóm tác giả: Trần Hoàng Tiến, Nguyễn Tấn Tuân, Hồ Quang Phương; đăng trên Báo Quân đội Nhân dân;
5. Tác phẩm: Loạt 4 kỳ: Vụ khiếu nại đất đai ở Vạn Ninh; Tác giả: Nguyễn Văn Giang; đăng trên Báo Khánh Hòa;
6. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Lỗ hổng thất thu thuế khoáng sản; Tác giả: Ngô Nhật Lân; đăng trên Báo Nghệ An điện tử;
7. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nhóm tác giả: Phòng 5/A02, Bộ Công an; đăng trên Báo điện tử Sài Gòn giải phóng;
8. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính; Tác giả: Chử Kim Hoa; đăng trên Báo Nhân dân điện tử;
9. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Tòa án huyện lập khống 57 hồ sơ xét xử; Nhóm tác giả: Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Vũ Long; đăng trên Báo điện tử Tiền Phong;
10. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Lãng phí điện tái tạo sau thời bùng nổ; Nhóm tác giả: Phạm Lương Bằng, Lê Thị Thạch Thảo; đăng trên Báo điện tử VietNamNet;
11. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Trục lợi từ các dự án đắp chiếu tại Hà Nội; Nhóm tác giả: Bùi Thị Diệu Thơm, Phan Tuấn Anh; đăng trên Báo Lao động điện tử;
12. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Những dấu hiệu vi phạm tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Nhóm tác giả: Hà Thu Hiền, Nguyễn Thị Mai Thu, Nguyễn Văn Trung; đăng trên Báo điện tử Xây dựng;
13. Tác phẩm: Phát huy dân chủ, nâng cao tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên – Cơ sở quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh; đăng trên Tạp chí điện tử Mặt trận;
14. Tác phẩm: “Khát nước” bên các công trình thủy lợi trăm tỷ; Nhóm tác giả: Xuân Hạnh, Phùng Ninh; phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Đắk Nông;
15. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu; Tác giả: Nguyễn Thị Phương Dung; phát trên sóng Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
16. Tác phẩm: Câu chuyện mỗi xã một chợ; Nhóm tác giả: Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Thị Hương Giang, Trần Kim Tiến; phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái;
17. Tác phẩm: Giám sát của cộng đồng ngăn ngừa sai phạm tiêu cực; Nhóm tác giả: Chúc Chi, Tiến Luận; phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu;
18. Tác phẩm: Lãng phí ngân sách Nhà nước và lãng phí niềm tin của Nhân dân; Nhóm tác giả: Hồng Thơm, Hồng Nhung, Anh Hoàng; phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Bắc Giang;
19. Tác phẩm: Loạt 3 kỳ: Nhận diện “nhóm lợi ích” trong đấu thầu và một số đề xuất, kiến nghị; Nhóm tác giả: Hoàng Long, Bùi Tiến, Văn Tình, Vũ Phương, Vũ Cảnh; đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật;
20. Tác phẩm: Loạt 2 kỳ: Đẩy mạnh “cuộc chiến” chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Nhóm tác giả: Trịnh Hà, Phương Thảo, Hà Nhung; đăng trên Báo Phú Thọ;
21. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Không để “nén bạc đâm toạc công lý”; Nhóm tác giả: Lê Đồng, Vân Hương, Đoan Trang; đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam;
22. Tác phẩm: Thiếu rèn luyện, tu dưỡng, nhiều “quan chức” vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Nhóm tác giả: Trần Thị Hiền, Trần Đức Thiện; đăng trên Tạp chí Kiểm tra;
23. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Không để “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn từ Hà Nội; Nhóm tác giả: Vi Nguyên Tuấn, Đỗ Thị Yên Hưng, Nguyễn Thị Anh, Trịnh Văn Tuyến, Nguyễn Phú Khánh; đăng trên Báo điện tử An ninh Thủ đô;
24. Tác phẩm: Loạt 4 bài: 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Những bài học lớn; Nhóm tác giả: Vũ Kiều Minh, Lương Ngọc Kết, Nguyễn Thị Quỳnh, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Như Hòa, Lê Đình Việt; đăng trên Báo điện tử Dân Việt;
25. Tác phẩm: Loạt 3 bài: Hàng loạt quan chức hầu tòa vì quà biếu, nghĩ về Điều 15 đảng viên không được làm; Nhóm tác giả: Nguyễn Sĩ Cường, Trần Ngọc Tiến, Đỗ Thị Nga, Tạ Thị Thu Trang; đăng trên Báo Công Thương điện tử;
26. Loạt 5 bài: Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên; Nhóm tác giả: Lại Thị Thúy Hà, Nguyễn Thị Thu Trang, Trần Văn Huấn; đăng trên Báo Văn hóa;
27. Tác phẩm: “Mắc kẹt” trong dự án treo; Nhóm tác giả: Ngọc Thiện, Khắc Phục, Tiến Cường, Hà Lan, Việt Hà, Ngọc Tuấn, Nguyễn Thảo; phát trên sóng Truyền hình Quốc hội Việt Nam;
28. Tác phẩm: Nhận diện phương thức, thủ đoạn xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta; Nhóm tác giả: Tô Huy Tuấn, Nguyễn Đăng Khang, Nguyễn Nam Hà, Cao Thị Mai Anh, Nguyễn Văn Thùy, Nguyễn Chí Công, Trần Huy Tuấn; phát trên sóng Truyền hình Công an Nhân dân.
(Theo TTXVN)