Cần mẫn tìm tòi, học hỏi, thay đổi nếp nghĩ, chị Ka Thúy (Thôn 1, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm), người phụ nữ Mạ đã tìm ra được cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình; từ đó, không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống và trở thành tấm gương phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Trồng cà phê xen với các loại cây ăn trái giúp gia đình chị Ka Thúy có đầu ra và nguồn thu ổn định |
Vẫn còn cách nhau 2-3 hàng giậu, nhưng chúng tôi đã thoáng thấy được khung cảnh mọi người nói chuyện trong mảnh sân trước nhà chị Ka Thúy, có cô thì ghi chép vào sổ, một chị khác lại đang chăm chú nghe chị Ka Thúy nói. Chúng tôi lấy làm lạ vì trông không giống như các bà, các mẹ đang nói chuyện bình thường. “Chị Ka Thúy hiền hậu lại đảm đang, luôn nhiệt tình với xóm làng nên bà con hay qua nhà chị để học hỏi kinh nghiệm đấy!”, một cán bộ xã Lộc Bảo giải đáp thắc mắc, chúng tôi đã hiểu câu chuyện.
Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang chị Ka Thúy kể, cách đây 27 năm, chị theo chồng về làm dâu trên chính mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” Lộc Bảo. Với một số vốn ít do vợ chồng dành dụm từ việc đi làm thuê, gia đình đã bắt đầu nuôi dê và trồng cà phê. Kể từ đó, hai vợ chồng luôn đồng lòng chung sức, miệt mài làm lụng nên cuộc sống gia đình ngày một ổn định.
Đến nay, từ hai con dê ban đầu đã phát triển thành đàn 50 con; diện tích chỉ vài sào cà phê lúc đó giờ cũng đã được mở rộng lên 8,5 ha, trung bình thu được 10 tấn/năm. Bên cạnh đó, chị Ka Thúy cũng đang trồng xen cây sầu riêng với 50 cây đang cho thu và một số loại cây ăn trái khác như: bơ, mít, bưởi, cam, mận, ngô… Ngoài ra, chị còn đang triển khai mô hình chăn nuôi gà, vịt với số lượng hơn trăm con; nuôi heo nái sinh sản. Chị Ka Thúy dự kiến thời gian tới, khi có thêm nguồn lực sẽ mở rộng mô hình.
“Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp. Giai đoạn mới bắt tay vào việc phát triển mô hình, vợ chồng tôi phải mất một khoảng thời gian đắn đo mới quyết tâm thực hiện được. Bởi lẽ, cách đây vài ba năm, kinh tế gia đình chủ lực vẫn là từ cây cà phê. Chỉ đến khi được cán bộ xã truyền thông, vận động tham gia về các chương trình tập huấn sản xuất nông nghiệp, chúng tôi mới biết thêm được nhiều mô hình kinh tế điển hình của các địa phương; từ đó, khi về nhà, tôi nhờ các con lên các kênh báo, đài, mạng xã hội để tìm hiểu thêm về con giống, quy trình canh tác… Nhờ đó, tôi mới dần nắm thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm để đổi mới tư duy và phát triển kinh tế gia đình”, chị Ka Thúy tâm sự.
Cùng với xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, chị Ka Thúy còn là một hạt nhân tích cực trong các phong trào văn hóa tại cơ sở. Chị luôn nghiêm túc tham gia các buổi họp của thôn, xóm. Cùng với đó, chị thường xuyên phối hợp với cán bộ xã đi vận động bà con tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn.
Theo ông K’Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bảo, địa phương là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm có trên 4,7 ngàn nhân khẩu, với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn phân nửa. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, UBND xã đã tập trung triển khai có hiệu quả các kế hoạch sản xuất nông nghiệp tại địa bàn; đồng thời, thường xuyên tổ chức ra quân tuyên truyền cho người dân về các chương trình, chính sách hỗ trợ khuyến nông để bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Trong đó, chị Ka Thúy là một trong những hộ dân tiêu biểu, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai cách làm mới với mô hình kinh tế tổng hợp. Chị là một tấm gương sáng cho nhiều nông dân học tập, noi theo.
“Thời gian tới, xã Lộc Bảo sẽ nỗ lực hỗ trợ người dân phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Song song đó, tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ cũng như đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn”, ông K’Lý thông tin thêm.