(LĐ online) – Ngày 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở Trung ương, các địa phương…
Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Trần Đình Văn tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV |
Các Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phát biểu đánh giá cao những nỗ lực đẩy nhanh vốn đầu tư công mà Chính phủ đã triển khai thời gian qua, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét ưu tiên đầu tư vốn đầu tư công xây dựng hệ thống cảng cạn.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đề xuất ưu tiên đầu tư vốn đầu tư công xây dựng hệ thống cảng cạn |
Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, khuyến khích vốn đầu tư công đầu tư hệ thống cảng cạn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, nhất là ở các tỉnh Tây Bắc, Trung du Bắc Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Cảng cạn là mắt xích quan trọng cho vận tải đa phương, góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian lưu hàng tại cảng, với chức năng chính là điểm thông quan hàng hóa nội địa, bãi chứa container, vận chuyển các dự án hàng siêu trọng và thủ tục hải quan nhanh gọn. Hệ thống cảng cạn được phát triển sẽ tăng hiệu quả hoạt động logistic, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, ở cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn như phía Bắc, phía Nam và Đông Nam Bộ.
Quang cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV |
Đại biểu Nguyễn Tạo phân tích: Trên thực tế, các cảng cạn miền Nam được coi là đang phát huy hiệu quả nhất so với cả nước, khối lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực này chiếm đến 80% lượng hàng hóa của cả nước, phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa, hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Một số cảng đã có sự gắn kết với các cảng biển và vận tải biển như một mắt xích trong dây chuyền vận tải đa phương thức.
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt trong Quyết định số 2223/QĐ-TTg ngày 13/12/2011. Theo quy hoạch này, Việt Nam đã đầu tư nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống cảng biển; song hiệu quả lại chưa cao khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, một phần do hệ thống giao thông nội địa của các tỉnh vệ tinh chưa được nâng cấp, kết nối đồng bộ. Do đó, cần tăng cường áp dụng mô hình đầu tư công và hợp tác công – tư (PPP) để đầu tư phát triển các cảng cạn; Nhà nước hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt kết nối với cảng cạn; hoàn chỉnh môi trường pháp lý và ban hành cơ chế, chính sách cho phát triển cảng cạn trong tường lai. Tư nhân đầu tư thiết bị, kho bãi, trung tâm logistics và tổ chức khai thác cảng cạn cho hiệu quả. Thiết nghĩ đây là mô hình đầu tư hiệu quả.