Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 1/11, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường tiếp tục thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp |
Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 – 2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, ngày 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 25 đại biểu phát biểu, 5 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến các vị đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau: phạm vi điều chỉnh; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; các hành vi bị cấm; công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; hình thức, phạm vi kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, chuyển nhượng dự án bất động sản của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có sẵn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; nguyên tắc kinh doanh, thực hiện giao dịch kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn; điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng có sẵn đưa vào kinh doanh; nghĩa vụ của bên đưa nhà ở, công trình xây dựng có sẵn vào kinh doanh; yêu cầu chung đối với kinh doanh quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; trách nhiệm của chủ đầu tư dự án bất động sản; trách nhiệm của bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; bảo lãnh trong bán, mua, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai; nguyên tắc kinh doanh nhà ở, thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh; hợp đồng, sử dụng hợp đồng trong kinh doanh bất động sản; thanh toán trong giao dịch bất động sản; điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; nguyên tắc, các biện pháp thực hiện điều tiết thị trường bất động sản; cơ chế giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bất động sản.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 – 2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận; trong đó nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với các Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá các Báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, đánh giá chi tiết, đầy đủ, căn cơ, bài bản, phân tích rõ những kết quả đạt được, cũng như nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại và đề ra những giải pháp khả thi trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương trong việc điều hành nền kinh tế; sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh rất khó khăn, đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đạt được các kết quả quan trọng, đáng khích lệ trong năm 2023.
Nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, sự ủng hộ của Quốc hội rất rõ nét, thiết thực, hiệu quả, kịp thời. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; độ mở, động lực tăng trưởng của nền kinh tế; những khó khăn, thách thức; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Về các giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với 12 nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời đề xuất bổ sung nhiều giải pháp về an sinh xã hội; việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, đãi ngộ cho nhân viên y tế; chính sách phát triển văn hóa, giáo dục; xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đầu tư công; mua sắm tài sản công; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn; nới lỏng điều kiện cho vay tín dụng; phát triển công nghệ kỹ thuật; triển khai các dự án công trình giao thông; cải cách thủ tục hành chính, tiền lương; hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; đẩy mạnh liên kết vùng; có biện pháp căn cơ, toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn; nâng cao năng lực về dự báo các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, qua đó kiến nghị giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả.
Về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, các ý kiến đại biểu cho rằng kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và cơ bản đáp ứng được yêu cầu đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kiến tạo, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, còn tồn tại những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo; công tác ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các đại biểu cũng kiến nghị đưa nội dung đánh giá kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
(Theo baotintuc.vn)