(LĐ online) – Ngày 30/10, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Lâm Đồng thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp |
HỖ TRỢ TỐI ĐA NĂNG LỰC TIẾP CẬN VỐN, THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, UBND tỉnh đã chỉ rõ từng nhóm nhiệm vụ cho các ngành, địa phương quyết liệt triển khai.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023; đồng thời, thực hiện có hiệu các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể: Chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực đã được HĐND tỉnh giao.
Xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các người dân, doanh nghiệp và của các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn để kịp thời có các giải pháp, biện pháp tháo gỡ hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính để đảm bảo điều kiện vay vốn ngân hàng, như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục xác nhận, công chứng, xác định giá trị tài sản thế chấp, xử lý tài sản đảm bảo…; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc cho vay và thu hồi nợ theo quy định.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương, như: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; các chương trình tín dụng cho công nhân vay vốn phục vụ tiêu dùng với chính sách ưu đãi và các chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng triển khai, thực hiện các chương trình tín dụng theo gói hỗ trợ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và các chương trình tín dụng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Chủ động, tích cực hỗ trợ ngành ngân hàng trong công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh nắm được chủ trương, chính sách của Nhà nước và ngành ngân hàng; từ đó chủ động tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Phát huy hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.
UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra ở mức cao nhất, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế phát sinh nợ xấu.
Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số,… trong hoạt động tín dụng; chấp hành nghiêm việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ lực cùng với các ngân hàng thương mại cổ phần triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục, điều kiện cho vay đảm bảo đơn giản, thông thoáng,… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn vay.
Tăng cường hơn nữa chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp nhằm tăng cường thông tin, đối thoại giữa ngân hàng và khách hàng; thường xuyên nắm bắt nhu cầu, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định.
TẬP TRUNG HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ THU NGÂN SÁCH NĂM 2023
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, trình phê duyệt quyết định đấu giá các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh (nếu đủ điều kiện); đồng thời, đôn đốc đơn vị tư vấn xác định giá đất khẩn trương hoàn thiện phương án giá của các cơ sở nhà, đất đã có quyết định đấu giá, trình thẩm định, phê duyệt để tổ chức đấu giá theo quy định, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và rút ngắn tối đa thời gian thực hiện; đối với các cơ sở nhà, đất đã phê duyệt giá khởi điểm thì khẩn trương lựa chọn tổ chức đấu giá để đấu giá theo quy định.
Phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023, đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất dự toán năm 2023 đã được HĐND tỉnh giao. Rà soát, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất phương án điều hành ngân sách phù hợp với tiến độ thu trong những tháng còn lại của năm 2023, đảm bảo cân đối ngân sách và chủ động nguồn kinh phí thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội và nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thẩm định, trình phê duyệt phương án đấu giá, quyết định đấu giá, giá khởi điểm để đấu giá các dự án theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và rút ngắn tối đa thời gian thực hiện.
Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Đà Lạt tập trung toàn lực, phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, thu hồi nợ đọng thuế trong những tháng cuối năm; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế để kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả, đảm bảo hoàn thành vượt mức dự toán thu được HĐND tỉnh giao ở mức cao nhất.
Rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu mới phát sinh, nguồn thu còn dư địa, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao về thuế như: ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, khoáng sản, kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp kê khai lỗ thường xuyên; doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá; các doanh nghiệp hết thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; hộ cá nhân kinh doanh áp dụng hình thức khoán thuế;… để quản lý thuế kịp thời theo quy định. Khẩn trương xử lý nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế; thường xuyên kiểm tra sản lượng khai thác, giá bán đối với các loại tài nguyên, khoáng sản, vật liệu xây dựng thực hiện kê khai giá để đôn đốc các đơn vị thực hiện và nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán, làm cơ sở xác định doanh thu tính thuế phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế hoặc làm căn cứ lập bộ thuế, kê khai, thu nộp theo đúng quy định, với mục tiêu đảm bảo công khai, công bằng giữa các hộ kinh doanh, góp phần thu đúng, thu đủ các khoản thuế cho ngân sách nhà nước.
Chủ động đề ra các giải pháp, biện pháp thu và tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp, biện pháp thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 được giao.
Ngành thuế phải tiếp tục triển khai có hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; tăng cường công tác kiểm tra, phòng, chống gian lận hóa đơn, chống thất thu thuế, nhất là thu thuế từ hộ kinh doanh, thuế tài nguyên, nhà hàng, khách sạn, hoạt động thương mại điện tử, vàng bạc, thuốc tân dược, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, khoáng sản và các dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh; phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp bán hàng không xuất hóa đơn theo quy định, hoàn thuế giá trị gia tăng không đúng quy định của pháp luật. Kịp thời đôn đốc thu nộp vào ngân sách các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan chức năng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế,… Thực hiện việc hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời và theo đúng quy định, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách pháp luật về thuế.
Thực hiện nhanh chóng, kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thu đã hết thời gian miễn, giảm, gia hạn theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không có hóa đơn, chứng từ để góp phần chống thất thu thuế.
Xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với những đơn vị thực hiện không đúng quy định. Chủ động thực hiện và phối hợp với cơ quan thuế thực hiện kiểm tra việc sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền tại các đơn vị sản xuất kinh doanh đã đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử kết nối máy tính tiền; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với những đơn vị thực hiện không đúng quy định hoặc đối phó với các cơ quan chức năng.