|
Ông Nguyễn Quang Huy – Bí thư Huyện uỷ đầu tiên của huyện Đam Rông |
Đó là lời ví von của ông Nguyễn Quang Huy – Bí thư Huyện uỷ đầu tiên của huyện Đam Rông về ngày mới thành lập huyện. Vì “cha mẹ” không nghèo, nên Đam Rông “ra riêng” không phải với hai bàn tay trắng. Nhưng, cũng như những khó khăn ban đầu của các cặp đôi trẻ, Đam Rông phải nỗ lực, phấn đấu từng ngày… Là huyện khó khăn nhất ở vùng sâu, vùng xa và đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng, Đam Rông lúc ấy giao thông chưa thuận lợi, dân cư thưa thớt, dân tộc thiểu số đông, kinh tế kém phát triển… ảnh hưởng đến an ninh an toàn, tâm tư, tình cảm của cán bộ và Nhân dân; cơ sở làm việc của huyện trong 2 năm đầu phải mượn trụ sở UBND xã Đạ Tông.
3 đồng chí nguyên Bí thư Đam Rông (giữa – từ phải sang: Ông Vũ Kim Sinh, ông Nguyễn Quang Huy, ông Trần Minh Thức) – cũng là những cán bộ đầu tiên có mặt ở Đam Rông từ ngày mới thành lập đến thăm “cơ sở” cũ và gặp gỡ lớp cán bộ trẻ của xã Đạ Tông |
Hồ hởi đưa chúng tôi đi thăm lại các “cơ sở” hoạt động ban đầu của huyện ở xã Đạ Tông, ông Huy cho biết: Cái tên “Đam Rông” được lựa chọn trong một số gợi ý về tên huyện, vốn là Đạ M’rông được phổ thông hoá thành Đam Rông cho dễ gọi – có nghĩa là một chàng trai rất khoẻ mạnh và giàu có, đưa dân làng vượt qua khó khăn gian khổ, đứng lên, đùm bọc, che chở, yêu thương nhau…
Bộ phận một cửa ở xã Đạ Tông là nơi quen thuộc để người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính |
Là “em út”, lại ở vùng xa xôi, hẻo lánh, Đam Rông nghèo khó nhất so với các “anh chị” trong “gia đình” Lâm Đồng, nên được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (cho đến năm 2020). Chính vì vậy, Đam Rông nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của Trung ương, địa phương, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… để xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, trường học; phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thu hút dự án…; dần ổn định đời sống tâm lý, vật chất, tình cảm của cán bộ, Nhân dân trong toàn huyện.
Những người lớn tuổi trong các buôn làng thường xuyên kể cho con cháu những câu chuyện về kho tàng di sản văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên. Từ khi còn trẻ, già Đa Cát Tư (áo xanh – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đạ Tông), đã chủ ý sưu tầm các điển tích, truyện cổ tích, dân ca… sắp xếp một cách bài bản, khoa học, đánh máy thành hàng trăm trang giấy, đóng tập để lưu trữ… Già còn lưu giữ những hiện vật trong đời sống hằng ngày của dân tộc Tây Nguyên xưa (ở thôn Đạ Nhinh 1) để con cháu biết về cuộc sống của ông bà, tổ tiên… |
Cùng với Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững được quy định trong Nghị quyết 30a của Chính phủ, Đam Rông được sự quan tâm và giúp đỡ của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, tỉnh, các địa phương, các nhà hảo tâm… tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để Đảng bộ Đam Rông chỉ đạo công tác phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị…
|
Trên địa bàn xã Đạ Rsal có khoảng 760 ha trồng sầu riêng, là loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao do hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên có chất lượng tốt và có thời điểm thu hoạch sau các vùng miền trồng sầu riêng khác. Đặc biệt, nhiều vườn sầu riêng đã trang bị hệ thống phun tưới tự động… |
|
Là người dân tộc thiểu số gốc địa phương, có nhiều năm gắn bó với địa bàn 3 xã Đầm Ròn nói riêng và Đam Rông nói chung, ông Liêng Hot Ha Hai – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông so sánh Đam Rông ngày mới thành lập với hiện tại như một bức tranh có hai sắc thái, một bên đơn điệu và một bên rực rỡ, vui tươi. Theo ông Ha Hai, có được ngày hôm nay, Đam Rông phải đi qua rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 73%, đến cuối năm 2022, theo tiêu chí cũ còn 6,9%, theo tiêu chí đa chiều còn 19,3%.
|
Năm 2023 là lần đầu tiên có một con đường nhựa nối từ trung tâm huyện đến 3 xã vùng Đầm Ròn. Trước đây, bà con đau ốm, muốn chữa bệnh phải xuyên rừng đi tắt qua Cổng Trời về Lạc Dương, người không đi được phải khiêng, cõng… Nay, mỗi xã đều có trạm y tế và có y bác sĩ, cơ sở hạ tầng về giao thông nông thôn, hệ thống đường điện đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại, học hành, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh… của bà con.
Hệ thống suối khoáng nóng ở Đam Rông vô cùng độc đáo và hiếm lạ, là nguồn tài nguyên quý đang cần thu hút đầu tư. Trong ảnh: Khu du lịch Suối khoáng nóng Daana đang được đầu tư khai thác là một trong 4 suối khoáng nóng ở Đam Rông |
Đời sống vật chất và tinh thần của bà con cũng khác trước rất nhiều, từ tư duy đến hành động. Ngày xưa, bà con dân tộc thiểu số ở đây xem xe máy hay nhà xây chỉ là của người Kinh. Từ trong tâm thức, bà con không nghĩ là họ có thể ngồi lên chiếc xe máy hay điều khiển xe máy; họ cũng không nghĩ sẽ ở trong những ngôi nhà xây. Thế mà giờ đây, nhà nào cũng có xe máy, thậm chí nhiều nhà có cả ô tô. Nhiều hộ có nhà cửa xây dựng khang trang, tiện nghi hiện đại. Ngày xưa, phong tục tập quán còn nặng nề lắm, nhất là các hủ tục như thách cưới, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, tục nối dây…; nay gần như không còn.
Nhà thờ đá Đạ Tông được khánh thành năm 2009, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của khoảng 10 ngàn giáo dân 3 xã vùng Đầm Ròn. Nhà thờ cũng là điểm đến du lịch bởi kiến trúc độc đáo và khung cảnh tươi xanh, mát mẻ. Trong ảnh: Linh mục BATÔLÊMÊÔ Nguyễn Văn Gioan (trái) – Quản hạt Đạ Tông, Quản xứ Giáo xứ Đạ Tông và ông Liêng Hot Ha Hai – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông trao đổi trong sân nhà thờ |
Đặc biệt, tư duy lao động sản xuất đã thay đổi tích cực, không còn tự cung tự cấp như xưa. Giờ đây, Đam Rông có nhiều sản phẩm hàng hoá có thể trao đổi, có giá trị thặng dư, như: Trồng dâu – nuôi tằm, sản xuất lúa gạo, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, chăm sóc vườn cà phê… Trình độ dân trí của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ngày trước cực kỳ thấp, rất ít nói tiếng phổ thông, nhất là những người lớn tuổi; nay, con trẻ được đến trường, học hành đúng độ tuổi…
Nhà máy ươm tơ của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Duy Phương (xã Đạ Rsal) rộng 2. 400 m2, có công suất 15-16 tấn kén mỗi tuần, hoạt động được 6 tháng, thu hút 130 công nhân, cung cấp giống và thu mua kén cho bà con nhân dân khắp vùng Đam Rông. Trong ảnh: Bà Vũ thị Tuý – Chủ doanh nghiệp giới thiệu với ông Nguyễn Quốc Hương – Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Đam Rông về hoạt động của Nhà máy |
Hơn 15 năm phấn đấu và nỗ lực vươn lên, năm 2021, Đam Rông không còn hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a và không còn là huyện nghèo nữa, dù tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao. Tuy nhiên, chính điều này khiến Đam Rông càng phải quyết tâm nỗ lực, phải vươn lên, không thể trông chờ, ỷ lại, khắc phục mọi khó khăn để thoát nghèo và không để nghèo mãi…
Các cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền của xã Đạ Tông do Phó Bí thư Đảng uỷ Nguyễn Văn Huy (bìa trái) trực tiếp phụ trách; còn có ông Đa Cát Tư – Chủ tịch Hội Người cao tuổi (bìa phải), ông Cill Nếu – Chủ tịch Hội Khuyến học (thứ 2 từ phải qua), xã đội, thanh niên… luôn có những bản tin phát thanh kịp thời và video sinh động, chuyên nghiệp về tình hình kinh tế – xã hội của xã |
(CÒN NỮA)
|