Tôi định cư ở thành phố đã 30 năm. Nhưng tất cả dòng họ nội, ngoại, anh em thân thuộc… đều sinh sống ở quê. Những tưởng, cuộc sống mưu sinh, lập nghiệp nơi đô thị chen lấn làm con người ta không còn “kẽ hở” để nhớ về quê cũ, nhớ về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình? Không! Với tôi, ký ức về những năm tháng tuổi thơ và những hoài niệm về cố hương cứ khắc khoải như dòng suối mát lành chảy trong nỗi nhớ. Bởi ở đó, tuổi thơ tôi gắn với những năm tháng mồ côi (ngày cha mất), lớn lên trong đói nghèo, một buổi cắp sách đến trường, một buổi theo mẹ xuống đồng cày, bừa như một nông phu thực thụ. Ở đó, tôi có những tháng năm cùng lũ bạn cắt cỏ, chăn trâu, cởi trần lên đồi, lội sông bẫy chim, bắt cá tinh nghịch “phá làng phá xóm” để bị bà con láng giềng mắng vốn “… nhà không nóc”! Ở đó, tôi có những mối tình ngây ngô đầu đời tinh khôi như hương cau, hương lúa với những cô gái quê đằm thắm và thiệt thà!…
Ảnh minh họa |
Quê tôi, một vùng nông thôn nghèo của miền Trung. Mỗi năm, chỉ có hai mùa mưa – nắng. Mỗi năm, mùa hạ về, trời nắng rất khắc nghiệt. Có năm trời hạn hán đến nỗi cỏ cây đều khô cháy. Tre gai là loài cây chịu hạn tốt nhất cũng chết đứng từng hàng. Bò, trâu không có cái ăn nên ốm nhom. Cũng vì hạn hán kéo dài, nước trên các sông, suối cạn kiệt. Đây là mùa người dân quê tôi tha hồ đánh bắt cá. Chao ôi là cá, nào chép, diếc, trê, lóc, lươn, chình… vô số.
Những mùa hè nắng hạn, đánh bắt cá không còn là nhu cầu để tăng nguồn thực phẩm cho mỗi gia đình nữa mà là sự ham thích, thú vui giản dị của người thôn dã quê tôi. Bởi sông, suối tự nhiên nên chẳng có ai ngăn cấm; vả lại Nhân dân quê tôi dùng nôm, rập, nhá, rổ, lưới… làm phương tiện đánh bắt cá, vô hại đến môi trường, môi sinh. Có năm trời hạn hán kéo dài, nước sạch phục vụ sinh hoạt trở thành thứ xa xỉ. Xóm tôi có hơn chục nóc nhà, tất cả các giếng đào đều trơ cát trắng. Mẹ tôi phải sang tận thôn khác xin từng thùng gồng gánh về để nấu ăn và sử dụng rất tiết kiệm. Nước dùng để tắm dường như không có. Ai muốn tắm rửa phải tìm ra tận các ao đào trên những con suối (chủ yếu dùng để tưới cây). Dù có gội bằng loại xà phòng thơm nhất nhưng khi tắm xong cả người toát ra mùi… thum thủm của bùn và rác mục. Bởi vậy, những người biếng lười có khi cả tuần chả cần… tắm.
Trái ngược mùa khô, mùa mưa đến không biết nước từ đâu đổ về lênh láng. Cả ruộng vườn, nhà cửa quê tôi ngập chìm trong biển nước. Cánh đồng lúa trước xóm tôi nước trắng xóa, nước lũ tràn cả vào nhà, chảy xiết như suối. Thường vào mùa lũ, xóm tôi gần như bị chia cắt hoàn toàn với các xóm, thôn khác trong vùng. Các trường học tạm thời cho học sinh nghỉ học tránh lũ.
Mặc cho người lớn la rầy, cấm đoán, bọn trẻ chúng tôi vẫn lén hú nhau tập hợp lại, cùng bơi ngược lên những khoảnh đất đồi cao hơn săn bắt chim. Do ruộng vườn bị ngập nước nên lũ chim tìm đến đây trú ngụ. Chúng tôi tha hồ bẫy bắt, có khi cả ngày trời không biết chán. Thịt chim cuốc mà hấp với xôi nếp ngự, khi xôi chín, vừa mở nắp nồi ra, mùi thơm xông vào mũi, ai cũng phải nuốt nước bọt đánh ực! Đã hơn 30 năm rồi mà mùi thơm ngọt ngào của xôi nếp, hấp thịt chim đồng đến giờ vẫn cứ hoài ngây ngất. Ký ức về những mùa nước nổi quê tôi cứ bềnh bồng trong nỗi nhớ…
Mùa nước nổi năm nay, nỗi đau làm quặn thắt lòng tôi. Liên tiếp thông tin những thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên qua các trận lũ, mưa dài ngày làm sống lại ký ức những mùa nước nổi năm xưa trong tôi. Song, cảm xúc về mùa nước nổi năm nay rất khác những mùa nước nổi luôn chảy mát lành trong ký ức ngày xưa của tôi. Mùa nước nổi năm xưa không gây thiệt hại lớn về người và tài sản như bây giờ.
Phải chăng, trời đất bây giờ đã khác xưa; thiên nhiên bây giờ khắc nghiệt hơn, cuồng phong dữ tợn hơn xưa…? Và, có phải sự khắc nghiệt của trời đất, cuồng nộ của thiên nhiên đều do chính con người gây ra đối với môi trường, sinh thái?
Mùa nước nổi năm nay chảy trong tôi một dòng nước xiết!…