(LĐ online) – Chiều 6/10, để chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sắp tới, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh để nghe báo cáo kết quả kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2023, lắng nghe, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để Đoàn ĐBQH đề xuất ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn ĐBQH với UBND tỉnh trước Kỳ họp thứ 6 |
Buổi làm việc dưới sự chủ trì, điều hành của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp. Tham dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng Phạm Triều, ĐBQH K’ Nhiễu, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo đã thông tin những nội dung cơ bản của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Xem xét thông qua 9 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Và 2 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng Phạm Triều kiến nghị một số nội dung cử tri gửi gắm đến Đoàn ĐBQH |
Kỳ họp lần này sẽ cho ý kiến 8 dự án luật: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi). Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…
Vừa qua, các tổ đại biểu đã tiến hành tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6 để nắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri địa phương. Qua tiếp xúc, Đoàn ĐBQH nhận thấy đa phần các kiến nghị, phản ảnh của cử tri thuộc về lĩnh vực đất đai như quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích, bồi thường, giải phóng mặt bằng,… nên đề nghị các đợt tiếp xúc cử tri tới, UBND tỉnh chỉ đạo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cử lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đất đai tham dự hoặc cử lãnh đạo phòng quản lý đất đai tham dự để trả lời, hướng dẫn cho cử tri.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tôn Thiện San báo cáo kiến nghị về những vướng mắc, khó khăn liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp cho rằng, thời gian qua, những kiến nghị của cử tri và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã được Đoàn ĐBQH kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã quan tâm, xử lý có hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, kiến nghị với Trung ương về đầu tư cho vùng dân di cư tự do, đất có nguồn gốc thuộc nông lâm trường quốc doanh trước đây, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030; kiến nghị những vướng mắc xung quanh việc triển khai 2 dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Khó khăn trong đầu tư Quốc lộ 27, từ cầu Phi Nôm đến cầu Krông Nô, đường tránh Bảo Lộc do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư…
Được sự phân công của UBND tỉnh, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Tôn Thiện San đã báo cáo với Đoàn ĐBQH về một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc đó là: Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật đầu tư công ngày 13/6/2019 quy định: “Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến ngày 31/01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách Trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau”. Hiện nay, HĐND cấp huyện có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách cấp huyện, nhưng thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện thuộc HĐND cấp tỉnh gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thủ tục nguồn vốn kéo dài ngân sách cấp huyện. Đề nghị Trung ương xem xét, phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với ngân sách cấp huyện theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm nguồn ngân sách cấp huyện.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Trọng Hiền kiến nghị vướng mắc liên quan đến thuỷ điện |
Về thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư còn khó khăn, vướng mắc như: Tại khoản 1, điều 29, Luật Đầu tư 2020 quy định: Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Ngoài ra, Luật Đầu tư 2020 cũng quy định các trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh. Theo đó, có một số trường hợp sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản và một số quy định trong lĩnh vực đấu giá chưa quy định cụ thể hình thức đấu giá quyền sử dụng đất gắn với dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư…
Đại diện các sở Y tế, Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Công thương cũng đã kiến nghị với Đoàn ĐBQH một số khó khăn liên quan đến bất cập trong quản lý lĩnh vực thuỷ điện, đề nghị sửa đổi các nghị định liên quan đến Luật Tài nguyên nước cũng như thẩm quyền cấp phép khai thác sử dụng mặt nước đối với các công trình thủy điện. Các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, tín ngưỡng, tôn giáo, di sản văn hóa, du lịch… Những quy định của pháp luật chưa rõ ràng nên việc quyết định chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý, cấp giấy phép xây dựng các công trình văn hóa tâm linh còn lúng túng. Do đó, đề nghị Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc quản lý đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất (đất thương mại dịch vụ hay đất tôn giáo) và xây dựng dự án du lịch văn hóa, tâm linh; quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn khu du lịch văn hóa tâm linh gắn với loại hình tôn giáo để quản lý.
Về tổ chức bộ máy và chế độ chính sách của cán bộ, nhân viên ngành Y tế còn khó khăn. Nhà ở công vụ, nhà ở xã hội cho đối tượng công chức, viên chức hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Đề nghị Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho nhân viên y tế hiện còn đang khó khăn yên tâm công tác, gắn bó lâu dài…
Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị sẽ được Đoàn ĐBQH ghi nhận, tổng hợp, báo cáo, kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội thời gian tới.