Những ngày này, không khí trung thu đang rộn ràng trên mọi miền đất nước với nhiều chương trình, hoạt động nhằm mang đến cho các cháu thiếu nhi một cái tết thật sự ý nghĩa. Đối với trẻ em hoàn cảnh khó khăn, quà trung thu không những lồng đèn hay bánh kẹo mà còn là những suất học bổng, sách vở, quần áo, xe đạp… từ sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội.
Trong Thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu năm nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Trung thu là tết của thiếu nhi… Trung thu cũng là tết của yêu thương và chia sẻ, là dịp để người lớn tự nhắc nhở mình phải quan tâm hơn tới trẻ em bằng tình yêu, trách nhiệm và những hành động thiết thực. Đặc biệt là quan tâm các cháu có hoàn cảnh khó khăn, các cháu mồ côi, các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… để mọi trẻ em được đón Tết Trung thu đầy đủ và trọn vẹn, được học tập, sáng tạo và vui chơi trong yêu thương của gia đình, cộng đồng.
Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là công tác chăm lo cho trẻ em khó khăn, thiếu may mắn. Riêng trong năm 2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã huy động số tiền trên 100 tỷ đồng và hỗ trợ cho khoảng 125.000 lượt trẻ em được khám sàng lọc, phân loại cho trẻ em tại các vùng khó khăn, hỗ trợ phẫu thuật tim, phẫu thuật nụ cười, phẫu thuật dị tật vận động; hỗ trợ dụng cụ học tập, xe đạp, xe lăn… cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; xây dựng các điểm trường, cầu đến lớp, điểm vui chơi dành cho các em học sinh vùng đặc biệt, khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ dinh dưỡng thông qua các chương trình, dự án… Tại Lâm Đồng, đến cuối năm 2022, có 365.600 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 26,55%/tổng dân số), 143.454 trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm 10,43%/tổng dân số); có 4.726 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 4.584 trẻ được trợ giúp bằng các hình thức, đạt tỷ lệ 97%. Tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em cả về vật chất và tinh thần…
Tuy nhiên, cả nước hiện vẫn còn khoảng 6,8% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực với trẻ em nhỏ tuổi, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tiếp tục diễn biến phức tạp; còn nhiều trẻ em bị đuối nước, thương tích, tai nạn thương tâm, trong đó không ít trường hợp do sự tắc trách, bất cẩn, thiếu trách nhiệm của người lớn gây ra. Trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận tốt với các điều kiện để phát triển toàn diện…
Điều đó đòi hỏi toàn xã hội cần tiếp tục chung tay, góp sức với những việc làm thiết thực, cụ thể để tiếp tục chăm lo tốt hơn cho các cháu. “Trẻ em như búp trên cành”, là thế hệ măng non của đất nước. Vì vậy, quan tâm, chăm lo cho trẻ em không chỉ thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm, mà cũng chính là chăm lo cho tương lai của chúng ta.