(LĐ online) – Sáng ngày 22/9, tại thành phố Đà Lạt, Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai” được Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt và Quỹ Rosa Luxemburg- Cộng hòa Liên bang Đức đồng phối hợp tổ chức.
Chủ trì, điều hành hội thảo |
Hội thảo dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Đức Hải – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Hồng Thanh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Văn Hiển – Đại biểu biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham dự hội thảo có các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các vị đại biểu ở các cơ quan trung ương và địa phương đã tới tham dự.
Về phía tỉnh Lâm Đồng, dự hội thảo có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’ Mák; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S; ĐBQH K’ Nhiễu; ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, đại diện các Ban HĐND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh, lãnh đạo HĐND các huyện, thành phố trong tỉnh cùng dự.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham dự hội thảo |
Hội thảo nhằm tiếp tục cung cấp thêm thông tin khoa học, khách quan, kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm Dự án Luật được xây dựng với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Hội thảo được tổ chức với mục đích cung cấp kinh nghiệm của một số nước trên thế giới xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến tài chính đất đai, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, hội thảo còn cung cấp thêm quan điểm, góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật đất đai về các vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Việc ban hành Luật sẽ có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Dự án Luật đã được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV (tháng 10/2022), lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2023) và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023 tới đây. Trên cơ sở tổng hợp kết quả lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân (với 12.107.457 lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật) và hai lần Quốc hội cho ý kiến, về cơ bản, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa được các định hướng cơ bản trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương để xử lý những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Các đại biểu dự hội thảo |
Tuy nhiên, đây là dự án luật khó, phức tạp, có tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong quá trình thảo luận và hoàn thiện, Dự thảo Luật vẫn còn những nội dung nhận được các ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội và người dân. Trong đó, có các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai, định giá đất,… Đây đều là những vấn đề khó, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan. Do vậy, để giải quyết các vấn đề này một cách thấu đáo, cần tiếp tục có cách tiếp cận khoa học, khách quan, toàn diện, cầu thị, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng đã được nêu ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan đến quản lý và sử dụng đất, phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng đất để đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hội thảo đề cập đến kinh nghiệm quốc tế về tài chính đất đai và quy hoạch sử dụng đất, tập trung vào các nội dung chính, như: kinh nghiệm của một số quốc gia châu Âu, châu Á, nhất là các nước ASEAN về vấn đề chính sách tài chính về đất đai, xác định giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hệ thống thông tin về đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;… trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách đối với Việt Nam nói chung, góp ý trực tiếp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nói riêng.
Ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia cao cấp về chính sách đất đai – Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu về một số khuyến nghị cho Luật Đất đai (sửa đổi) |
Tại hội thảo, các chuyên gia cao cấp, nhà khoa học đã phát biểu tâm huyết, trách nhiệm với nhiều tham luận rất hữu ích mang tính khoa học, trí tuệ, khách quan như: bối cảnh quốc tế và tầm nhìn của Việt Nam cần hướng đến về hệ thống thông tin đất đai quốc gia và hiện đại hoá định giá đất; một số khuyến nghị đối với Luật Đất đai; kinh nghiệm một số nước về thu hồi đất; phương pháp định giá đất: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, kiến nghị đối với Việt Nam… Nhiều thực trạng về bất cập trong Luật Đất đai và sự chồng chéo giữa các dự thảo luật được các chuyên gia, nhà khoa học thẳng thắn trao đổi… Có nội dung được các đại biểu ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên quan tâm có ý kiến, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào các định hướng chính sách về ưu tiên, bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất nông, lâm trường, đất quốc phòng -an ninh khu vực Tây Nguyên nhằm giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế…; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền. Cần có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cần cơ chế ngăn chặn người dân chuyển nhượng đất sau khi được giao đất…
Ông David Baringo – chuyên gia cao cấp về xã hội, chuyên gia lâu năm phụ trách về thu hồi đất của Ngân hàng thế giới trình bày về kinh nghiệm thu hồi đất ở một số nước |
Các ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, chọn lọc, tiếp thu để gửi đến lãnh đạo Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để nghiên cứu, tham khảo, góp phần phục vụ việc Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp sắp tới.
Buổi chiều, hội thảo tiếp tục chương trình với nhiều nội dung quan trọng. Báo Lâm Đồng Điện tử tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV trình bày về phương pháp định giá đất, kinh nghiệm một số nước và kiến nghị đối với Việt Nam |
Quang cảnh hội thảo |