Một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng và gieo vào lòng người những cảm xúc khác nhau. Với tôi, mùa thu là mùa đẹp nhất. Mùa thu có một ngày rất đáng để lũ trẻ nghèo chúng tôi ngóng đợi đó chính là Tết Trung thu.
Ảnh minh họa |
Thật hay và thú vị, trong một năm, chúng ta đón nhận nhiều cái tết như: Nguyên đán, Đoan ngọ, Dương lịch và Tết Trung thu. Nhưng Tết Trung thu vẫn là cái tết được những đứa trẻ con chờ đợi và hào hứng nhất. Chung niềm xúc cảm ấy, tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Tết Trung thu đối với những đứa trẻ con nhà nghèo ở quê thật đặc biệt. Mặc dù phải đến 15 tháng 8 thì mới chính thức phá cỗ đêm rằm nhưng đối với chúng tôi, Tết Trung thu đã được chào đón từ những ngày đầu tháng. Giờ đây, dù đã xa tuổi thơ, những yêu thương, hồn nhiên của tuổi trẻ không còn nguyên vẹn nữa nhưng ký ức với những ngày Tết Trung thu vẫn còn háo hức, chộn rộn đâu đây. Trung thu về, vui nhất là được cầm chiếc lồng đèn trên tay. Vậy nhưng, để có một chiếc lồng đèn vui hội, việc làm ra nó là cả một quá trình. Để làm được chiếc lồng đèn, đối với những đứa trẻ ở làng quê đó là điều không thể mà phải nhờ sự giúp đỡ của người lớn. Vật dụng để làm lồng đèn tất yếu phải có tre, hồ dán, giấy bóng và dây cước. Vì ở quê nên cây tre rất dễ kiếm. Sau khi kiếm được tre thì cần phải chọn tre dẻo, mềm và phải vót cho bóng và nhẵn. Tre vót xong thì đến công đoạn ghép hình ngôi sao. Phải nói rằng, đây là việc cần đảm bảo kỹ thuật nhất vì nếu không cân bằng giữa độ dài, chiều cao thì hình ngôi sao sẽ bị lệch, không cân đối. Hình ngôi sao sẽ được kết nối với nhau ở các góc từ những sợi dây cước rất nhỏ, buộc chặt. Sau khi đã hoàn thành bộ khung của hình ngôi sao thì công đoạn tiếp theo là mua giấy bóng về dán. Nét đẹp, tính mỹ thuật của chiếc lồng đèn trung thu nằm ở giai đoạn này. Không quá khó nhưng việc dán giấy bóng lên khung sườn của ngôi sao năm cánh phải thật căng, đều thì chiếc lồng đèn sẽ không bị xệch xạc và thụng xuống. Tùy theo sở thích mà lũ trẻ con chúng tôi có những chiếc lồng đèn khác nhau. Tuy nhiên, những chiếc lồng đèn với màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, xanh vẫn được yêu quý vì hầu như đứa trẻ nào cũng muốn mình được nổi bật nhất, được chú ý nhất vào đêm trung thu. Dán xong giấy bóng thì coi như quá trình làm lồng đèn cũng sắp xong bởi chi tiết cuối cùng là chỉ cần vót thanh tre ngắn, buộc với sợi dây cước nối vào một góc bất kỳ trong hình ngôi sao năm cánh. Vậy là chiếc lồng đèn rất đẹp, rất giản dị đã hoàn thành. Chao ôi, một niềm vui ngập tràn của những đứa trẻ nghèo nơi miền quê thương nhớ.
Có lồng đèn trung thu rồi tất nhiên đứa trẻ nào cũng muốn khoe. Dù chị Hằng còn chưa mặn mà lắm với không gian đồng quê những ngày đầu tháng Tám nhưng với chúng tôi ngày ấy, Tết Trung thu đã bắt đầu chạm ngõ. Ai đã từng sinh ra, từng đón trung thu nơi làng quê mới cảm nhận được sự háo hức chờ đợi của trẻ con vùng nông thôn như thế nào. Cầm trên tay lồng đèn, chúng tôi tập hợp thành một nhóm đi từ đầu làng đến cuối ngõ hát rộn vang bài hát nhiều khi là chữ được, chữ mất: “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài, cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao, em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan”…
Hồi hộp, háo hức, chờ đợi mãi rồi chị Hằng cũng cho chúng tôi một cái hẹn với đầy đủ cung bậc cảm xúc vào đêm 15 tháng 8. Trăng ở phố hay trăng quê cũng là trăng nhưng dường như thấu hiểu được sự ngóng chờ của lũ trẻ nghèo quanh năm thiếu thốn nên chị Hằng đến với chúng tôi bằng sự lộng lẫy, kiêu sa và bao dung hơn. Cả không gian của làng quê được dát bởi ánh sáng lung linh. Mở màn cho đêm hội trung thu là đoàn múa lân được thực hiện bởi những anh chị lớn tuổi. Đoàn lân với màu sắc sặc sỡ, ông địa bụng bự chuyên làm trò có lẽ là nhân vật được chúng tôi yêu thích nhất. Tiếng trống của đoàn lân mỗi lúc mỗi hối hả. Từ đầu làng đến cuối thôn, trẻ con chúng tôi ai cũng rộn ràng với những chiếc lồng đèn và bám theo đoàn lân mà tiến về hội trường của thôn.
Không hẹn mà gặp, chẳng mấy chốc, hội trường thôn chật cứng những đứa trẻ với rất nhiều lồng đèn đủ các loại màu sắc. Sau vài vòng múa lân, giây phút chờ đợi nhất cũng đã đến. Ông Trưởng thôn tuyên bố khai hội, phát quà trung thu. Không quá dư dả nên quà trung thu của chúng tôi ngày ấy mỗi đứa chỉ được một cái bánh nhỏ, cùng với một túm kẹo chanh chia đều cho tất cả lũ trẻ trong làng. Vị ngọt của kẹo, mùi thơm của bánh hòa cùng niềm vui của ông địa, của đoàn lân đã làm cho đêm trung thu nơi làng quê thêm nồng nàn và vô cùng nhộn nhịp. Chương trình Tết Trung thu đón chị Hằng cứ thế diễn ra cho đến tận khuya.
Tết Trung thu, ánh trăng quê, lồng đèn ông sao, tiếng trống lân giục giã đó là những hợp âm sâu lắng và rung cảm nhất mà những đứa trẻ nghèo như tôi ngày xưa cảm nhận được. Cuộc đời vẫn có những điều hay ho đến lạ, càng đi nhiều, càng lớn tuổi, tiếp cận với văn minh thì có lẽ những ký ức tuổi thơ, những gì “lạc hậu” cũng sẽ nhạt dần. Vậy mà với tôi, điều này nó ngược lại. Tết Trung thu của ngày xưa vẫn vẹn nguyên, vẫn đong đầy và nồng nàn những cung bậc cảm xúc. Trung thu chính là tết của trẻ thơ, tết của sự yêu thương và chờ đợi.