Nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 12/2017 cho 4 nhóm sản phẩm: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông trên phạm vi TP Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần của huyện Lâm Hà. Được giao quản lý nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, đến nay, UBND TP Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 674 tổ chức, cá nhân; trong đó, sản phẩm hoa chiếm 82,6%, rau chiếm 13,8%, cà phê chiếm 2% và du lịch canh nông chiếm 1,4%.
Canh tác hoa hồng thương phẩm gắn với tham quan, trải nghiệm để tăng trưởng doanh thu tại làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt. Ảnh: Văn Việt |
Việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tăng nhanh qua các năm đã góp phần quảng bá thương hiệu và nâng cao lợi thế cạnh tranh của nông sản, khẳng định vị trí, định vị thương hiệu “Đà Lạt” tại thị trường Việt Nam và đang dần được người tiêu dùng nước ngoài biết đến.
Thực hiện kế hoạch phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giai đoạn 2021 – 2025 của UBND tỉnh Lâm Đồng, qua 2 năm thực hiện đăng ký ra nước ngoài đối với nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đang thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. 4 quốc gia này đều là các thị trường xuất khẩu trọng điểm đối với hàng nông sản chủ lực là rau, hoa và cà phê của Lâm Đồng và Việt Nam.
Để phát huy được thế mạnh các sản phẩm và mang lại giá trị xuất khẩu khi đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại 4 quốc gia trên, các sản phẩm được đề nghị bảo hộ gồm: khoai lang, rau đông lạnh, quả ớt, cà rốt, củ cải, hành tỏi, súp lơ, xà lách và bắp cải; hoa cúc (hơn 70%), các loại hoa hồng, hoa lan, hoa cẩm chướng (từ 5 – 10%); cà phê Arabica và Robusta nhân xanh.
Cùng với nỗ lực hoàn thiện thủ tục và các hồ sơ đảm bảo sự phù hợp theo quy định của các nước về quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản, chỉ tiêu chất lượng đối với từng đối tượng rau, hoa, cà phê cụ thể, các đặc tính chi tiết về chất lượng và định lượng; ngành Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cũng đang chứng minh danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận chứa tên địa danh “Đà Lạt”. Qua tra cứu và đánh giá khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại 4 nước cho thấy không có nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Khả năng bảo hộ tại Nhật Bản và Trung Quốc là hơn 80%, tại Hàn Quốc 55 – 60% và Singapore là 60 – 80%.
Qua đó, ngành xác định lộ trình đăng ký sẽ được tiến hành: trong giai đoạn 2023 – 2025, thực hiện nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Hình thức bảo hộ tại Hàn Quốc là bảo hộ tổng thể nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; tại Nhật Bản là bảo hộ nhãn hiệu thông thường và cấp quyền sử dụng thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng không độc quyền. Giai đoạn 2025 – 2026, tiếp tục đăng ký bảo hộ tại Singapore và Trung Quốc.
Cùng với nỗ lực xây dựng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong giai đoạn 2021 – 2025 trở thành thương hiệu mang tầm vóc quốc tế, làm gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, ngành Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã đưa ra nhiều giải pháp định vị chất lượng sản phẩm nhằm tăng hiệu quả của nhãn hiệu chứng nhận. Cụ thể, cần tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm và việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trước và sau khi cấp quyền. Các sản phẩm mang nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cần được chọn lọc kỹ càng hơn, có chất lượng cao hơn so với các nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng trước đây, làm cơ sở để nâng tầm và tách biệt các sản phẩm “kết tinh” với các sản phẩm thông thường khác. Tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc ngẫu nhiên thường xuyên cùng với lấy mẫu kiểm tra đúng quy trình…
Từ nay đến năm 2025, ngành sẽ tiến hành triển khai 2 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh: Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc (36 tháng); Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại thị trường Trung Quốc và Singapore (24 tháng). Qua đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ công tác quản lý, kiểm soát sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” về: Quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu, Bộ tiêu chí sản phẩm mang nhãn hiệu, Quy định kiểm soát sản phẩm mang nhãn hiệu, Quy trình sản xuất – thu hoạch – bảo quản sản phẩm mang nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Bên cạnh đó, ngành sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, mua sắm các trang thiết bị như: Hệ thống sắc ký khí ghép khối phổ 3 tứ cực (GC/MS/MS), Hệ thống sắc ký lỏng ghép khối phổ 3 tứ cực (LC/MS/MS), Hệ thống quang phổ phát xạ nguyên tử khối phổ (ICP-MS), Hệ thống sắc ký ion (IC) để có thể kiểm soát các chỉ tiêu liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi nấm… Từ đó đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất rau, hoa, cà phê làm cơ sở cho UBND thành phố cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, đảm bảo chất lượng sản phẩm của nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.