Cách đây đúng 62 năm, ngày 10/8/1961, chiếc máy bay đầu tiên của quân đội Mỹ bắt đầu phun rải chất độc dọc theo Quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô (Kon Tum). Trong suốt hơn 10 năm (1961 – 1971), quân đội Mỹ và đồng minh đã rải gần 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có chứa chất cực độc màu da cam/dioxin và khoảng 9.000 tấn chất độc CS xuống các thôn làng, đồng ruộng, rừng cây của miền Trung và miền Nam Việt Nam với tổng diện tích hơn 2,6 triệu hecta.
62 năm đã trôi qua, nhưng những mất mát, đau thương do thảm họa da cam/dioxin để lại trên đất nước ta vẫn rất nặng nề… Cùng với tàn phá môi trường tạo nên những vùng “đất chết”, chất độc da cam/dioxin không chỉ là thứ vũ khí giết người, mà nó còn để lại những di chứng khủng khiếp tới những thế hệ sau của các nạn nhân. Chất độc da cam đã làm gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Tàn độc và nguy hiểm hơn, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, bệnh tật do chất độc da cam gây ra đã di truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4 và còn kéo dài. Chất độc hóa học đã cướp đi chức năng làm vợ, làm mẹ của hàng trăm ngàn phụ nữ; nhiều người đã bị mất con ngay khi đứa trẻ lọt lòng; hàng trăm ngàn trẻ em đã bị chết, hoặc khi sinh ra bị dị dạng, dị tật, mắc các căn bệnh hiểm nghèo, sống đời sống thực vật…
Trước những hậu quả hết sức nặng nề của chất độc màu da cam, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách, huy động mọi nguồn lực xã hội để giúp đỡ các nạn nhân, giải quyết hậu quả chất độc da cam. Kể từ năm 2002, ngày 10/8 hàng năm được chọn làm Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt và triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau với những gia đình có nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 43-CT/TW (Chỉ thị 43) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”… Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng Bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.
Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế, góp phần giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, xoa dịu nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp với những cách làm sáng tạo đã vận động, huy động nhiều nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân chất độc da cam.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lâm Đồng đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 43, góp phần thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, trong đó có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động từng bước được nâng cao. Từ năm 2015 đến nay, Hội đã vận động được hơn 21 tỷ đồng, góp phần chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Đến nay, tổng số các nạn nhân trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là hơn 2.000 người; trong đó, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (trực tiếp) là hơn 1.500 người, con đẻ (gián tiếp) là 495 người…
Sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội không chỉ trực tiếp giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân mà còn tạo được niềm tin, nghị lực để nhiều người nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, vượt lên số phận, từng bước cải thiện cuộc sống của mình và gia đình.
Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả hết sức nặng nề của chất độc màu da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà hơn hết thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với đất nước.
Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8 hàng năm, Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm nay (từ ngày 1 – 31/8/2023) là dịp để đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tích cực hưởng ứng, bằng những hành động và việc làm thiết thực chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin có cuộc sống tốt đẹp hơn.